Lợi ích được lan tỏa

Nhận thức đầy đủ lợi ích và ý nghĩa của công tác thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng như đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các đơn vị KBNN đã tích cực lan tỏa lợi ích đến với khách hàng, đơn vị sử dụng ngân sách.

Bằng nhiều cách làm, nhiều cách tiếp cận để thực hiện tốt phương thức thanh toán này, các đơn vị KBNN từ cấp tỉnh, thành phố đến KBNN các quận, huyện đã bước đầu triển khai thành công Đề án phát triển TTKDTM trong toàn hệ thống.

Năm 2009, KBNN Đà Nẵng thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) với các ngân hàng thương mại (NHTM), sớm nhất trong toàn hệ thống. Từ 4 NHTM ban đầu, KBNN Đà Nẵng đã thực hiện phối hợp thu NSNN với 5 NHTM cổ phần vào các năm tiếp theo. Tính đến thời điểm hiện tại, KBNN Đà Nẵng đã phối hợp thu với 21 chi nhánh của 9 hệ thống NHTM gồm: Agribank, MB, BIDV, Vietinbank,

Vietcombank, SHB, Vpbank, Seabank, LienVietpostbank. Số điểm thu hộ NSNN của NHTM cũng tăng lên theo thời gian, từ 104 điểm thu vào năm 2020; 117 điểm thu vào năm 2021 và đến giữa năm 2022 là 120 điểm thu.

Ông Phan Quảng Thống - Giám đốc KBNN Đà Nẵng cho biết, để đến năm 2025 không còn giao dịch chi bằng tiền mặt, KBNN Đà Nẵng đã hiện đại hóa theo quy định các hình thức thanh toán, đảm bảo phù hợp với xu thế chung của đất nước và thế giới. “Đặc biệt, đơn vị đã phát triển các giao dịch không dùng tiền mặt như dừng giao dịch thu ngân NSNN bằng tiền mặt vào thứ bảy, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp NSNN vào ngày này có thể nộp tại các NHTM được KBNN Đà Nẵng phối hợp thu trên địa bàn. Ngoài ra, KBNN Đà Nẵng đã vận động, khuyến khích các đơn vị sử dụng ngân sách khi có nhu cầu rút tiền mặt có thể thực hiện tại NHTM đối với các khoản chi dưới 1 tỷ đồng” - ông Thống chia sẻ.

Tại KBNN TP. Hồ Chí Minh, nếu như năm 2019 số thu, chi NSNN bằng tiền mặt lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, thì từ đầu tháng 6/2020 đến nay đã hoàn toàn không còn phát sinh thu, chi bằng tiền mặt.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Văn Chung

Chia sẻ kết quả này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc KBNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã làm việc với các NHTM theo hướng tất cả các khoản chi ngân sách đều ủy nhiệm qua ngân hàng. Đối với các khoản thu, khi khách hàng mang tiền mặt đến nộp, KBNN TP. Hồ Chí Minh vẫn tổ chức thu nhưng cũng đồng thời phát cho khách hàng tờ giấy hướng dẫn đến các ngân hàng được ủy nhiệm thu nếu có nhu cầu nộp tiền lần sau.

Bên cạnh đó, KBNN TP. Hồ Chí Minh đã tuyên truyền vận động các đơn vị giao dịch, tổ chức, người dân tăng cường nộp thuế bằng phương thức điện tử; đồng thời hướng dẫn người nộp phạt qua cổng thông tin điện từ của Chính phủ, sử dụng các hình thức nộp trực tuyến, nộp chuyển khoản và thực hiện thông báo từ ngày 30/6/2020 KBNN TP. Hồ Chí Minh sẽ không thu tiền mặt.

“Với cách làm này, chúng tôi đã nhận được sự hợp tác tích cực từ các đơn vị giao dịch, khách hàng. Tuy nhiên cũng vẫn còn một vài trường hợp chưa nắm được thông tin, vẫn mang tiền đến kho bạc. Lường trước tình huống này, chúng tôi đã chuẩn bị xe chuyên dùng sẵn sàng hỗ trợ khách hàng đưa tiền đến ngân hàng để nộp” - ông Hải cho biết.

Các kho bạc quận, huyện cũng tích cực vào cuộc

Để triển khai đồng bộ các giải pháp với mục tiêu chuyển đổi số, hướng tới lợi ích cho người dân, khách hàng và các đơn vị, từ ngày 1/6/2021, KBNN huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã dừng toàn bộ các giao dịch bằng tiền mặt tại trụ sở KBNN. Theo đó, các hoạt động thu NSNN, thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, qua tài khoản của người nộp thuế, nộp phạt tại các NHTM hoặc nộp tiền mặt trực tiếp tại điểm giao dịch của NHTM (Vietinbank chi nhánh Thái Nguyên – Phòng giao dịch huyện Phú Lương và Agribank chi nhánh huyện Phú Lương) theo thỏa thuận phối hợp thu giữa cơ quan thuế, KBNN và NHTM. Tất cả các trường hợp rút tiền mặt hay có nhu cầu nộp tiền mặt vào tài khoản mở tại KBNN sẽ đến các điểm giao dịch của Agribank chi nhánh huyện Phú Lương để thực hiện.

Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ đảm bảo hơn về sự an toàn

Bên cạnh các ý nghĩa, lợi ích cơ bản của công tác thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) như: đẩy nhanh chuyển đổi số; giảm chi phí quản lý vận chuyển tiền mặt; thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát lưu thông tiền tệ, chống tham nhũng, rửa tiền… Việc tăng cường TTKDTM và không giao dịch tiền mặt tại trụ sở Kho bạc Nhà nước còn mang lại những lợi ích rất thiết thực cho khách hàng vì TTKDTM sẽ đảm bảo hơn về sự an toàn, chính xác và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều các giao dịch bằng tiền mặt, đem lại lợi ích toàn diện cho mọi đối tượng liên quan.

Tương tự, KBNN huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để giảm dần các giao dịch thu chi bằng tiền mặt tại đơn vị. Theo đó, ngoài việc ký kết hợp đồng và mở tài khoản chuyên thu tại 6 chi nhánh NHTM trên địa bàn huyện, KBNN Duy Xuyên đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện các quy định của Bộ Tài chính về việc quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN, trong đó quy định: các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại NHTM thực hiện nộp NSNN bằng hình thức TTKDTM hoặc nộp bằng tiền mặt tại NHTM để chuyển nộp vào tài khoản của KBNN.

Các khoản chi thanh toán cá nhân, bao gồm tiền lương; tiền công; tiền công tác phí; phụ cấp lương, học bổng học sinh, sinh viên; tiền thưởng; phúc lợi tập thể; chi cho cán bộ xã, thôn, bản đương chức; chi thực hiện chế độ chính sách người có công với cách mạng; các khoản thanh toán cho cá nhân thuộc diện bắt buộc phải thanh toán bằng chuyển khoản, theo quy định tại Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN thì các đơn vị giao dịch và KBNN thực hiện chi trả qua tài khoản.

Đối với các khoản chi tiền mặt từ 100 triệu đồng trở lên trong 1 lần giao dịch, các đơn vị phải rút tiền mặt tại Agribank chi nhánh Duy Xuyên, không rút tại KBNN Duy Xuyên như trước đây (trừ các khoản kho bạc trực tiếp chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền).

Với những công việc đã triển khai, cùng với sự phối kết hợp với các NHTM trên địa bàn, công tác thu NSNN đã được thực hiện triệt để qua ngân hàng. Hiện, các khoản thu NSNN tại KBNN Duy Xuyên chỉ còn chiếm 4,87% tổng số thu NSNN, tương ứng với đó, các khoản chi NSNN bằng tiền mặt tại đơn vị cũng đã giảm đi rất nhiều.

Đề án thanh toán không dùng tiền mặt mang lại kết quả tích cực tại KBNN Hà Nam

Từ ngày 1/8/2022, KBNN Hà Nam không thực hiện giao dịch thu chi bằng tiền mặt. Các khoản thu chi NSNN và thu chi khác qua KBNN Hà Nam được thống nhất định hướng tăng cường thực hiện theo hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) qua các tài khoản liên quan tại hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, KBNN Hà Nam đã rất chú trọng tăng cường công tác phối hợp thu NSNN trên địa bàn với các cơ quan thu và ngân hàng thương mại (NHTM); tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi nhân dân, đơn vị sử dụng ngân sách cũng như việc thu, nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp với NSNN cho dù đơn vị có giao dịch tại đâu và bằng hình thức nào.

Theo đó, kết quả thực hiện Đề án TTKDTM tại KBNN Hà Nam bước đầu đã mang lại rất tích cực. Trong những ngày đầu triển khai, giao dịch tiền mặt tại trụ sở KBNN Hà Nam hầu như không còn phát sinh. Từ giữa tháng 7/2022 đến nay, cơ quan KBNN tỉnh và các KBNN huyện đã tuyệt đối không còn phát sinh thu chi bằng tiền mặt tại trụ sở. Các giao dịch, thu chi bằng tiền mặt (rất ít) được thực hiện tại các hệ thống NHTM và NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán, phối hợp thu NSNN.