Lần đầu tiên thu nội địa vượt mốc 300 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo tại hội nghị, tổng thu nội địa trên toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2022 ước thực hiện được 319.500 tỷ đồng, vượt 18%,3% dự toán pháp lệnh năm và tăng 17,2% (so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, thu từ dầu thô ước thực hiện 27.400 tỷ đồng, vượt 161% dự toán và tăng 13,7%; thu từ khu vực kinh tế ước thực hiện 179.360 tỷ đồng, vượt 12,5% dự toán và tăng 7,7%; các khoản thu khác ngoài khu vực kinh tế ước thực hiện 112.740 tỷ đồng, vượt 12,6% dự toán và tăng 24,8%. Đáng chú ý, có 19/20 chi cục thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn

Nguyên nhân đạt được kết quả trên chủ yếu do sự phục hồi về kinh tế. Với sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022 đã có chuyển biến tích cực, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,44%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp (DN) qua cửa khẩu cả nước ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% và tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10%.

Một số khoản thu đột biến trong năm 2022 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh như: thu từ dầu thô và khí thiên nhiên tăng 12.900 tỷ đồng, do giá dầu thế giới tăng cao, thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất có khoản tăng thu khoang 9 nghìn tỷ đồng...; đồng thời từ ngày 1/4/2022, thành phố đã triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiên ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển, theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND, dự kiến giúp tăng thu cả năm 1.900 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá cao kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và nhìn nhận đây là kết quả hết sức ấn tượng. Lần đầu tiên thu NSNN của đơn vị vượt trên 300.000 tỷ đồng.

‘‘Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp số thu nội địa trên địa TP. Hồ Chí Minh hoàn thành vượt dự toán pháp lệnh cả về tổng số và số thu thuế, phí, góp phần quan trọng trong tổng số vượt thu của toàn ngành Thuế và ngành Tài chính trong năm 2022’’ – Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phụ trách Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Vũ Xuân Bách phát biểu đáp từ. Ảnh Đỗ Doãn
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phụ trách Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Vũ Xuân Bách phát biểu tại hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn

Các nhiệm vụ trọng tâm hướng đến mục tiêu 323.575 tỷ đồng

Bên cạnh công tác thu NSNN, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cũng đánh giá cao kết quả các mặt công tác khác trong năm 2022 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh như hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế; các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, thương mại điện tử. Việc triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trên địa bàn đã hỗ trợ tích cực để người dân và DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, góp phần trong kết quả tăng trưởng kinh tế chung của thành phố cao hơn mức bình quân chung của cả nước và tạo nguồn tăng thu ngân sách bền vững…

Về triển khai giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh rà soát lại 10 nhiệm vụ, 22 nhóm giải pháp đã được đề ra tại hội nghị triển khai công tác thuế năm 2023 của toàn ngành và 8 nội dung chỉ đạo, quán triệt của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại hội nghị để áp dụng, triển khai phù hợp với đặc điểm tại địa phương.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ công chức Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2022. Ảnh Đỗ Doãn
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn (thứ 4 từ phải) trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ công chức Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022. Ảnh Đỗ Doãn

Trước mắt, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhằm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu năm 2023 được Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh là 323.575 tỷ đồng.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cũng chỉ đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh giải pháp triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế; công tác quản lý nợ thuế, triển khai hóa đơn điện tử; công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh; quản lý thuế thương mại điện tử; công tác quản lý cán bộ và tăng cường kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ...

‘‘Nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với bề dày truyền thống, sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực cao của toàn thể cán bộ công chức Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh; cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, tôi tin tưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng toàn ngành Thuế, ngành Tài chính hoàn thành toàn diện nhiệm vụ năm 2023…’’ - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nói.

Toàn cảnh buổi hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn
Toàn cảnh buổi hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn

Ông Vũ Xuân Bách – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phụ trách Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, đã phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn và cho biết sẽ bổ sung vào chương trình công tác trọng tâm của đơn vị để triển khai ngay vào những ngày đầu tiên của năm tài chính mới 2023.

Ông Vũ Xuân Bách cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị mình bổ sung ngay vào nhiệm vụ, kế hoạch của đơn vị đối với các chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, cùng với Cục Thuế thành phố hoàn thành nhiệm vụ chung được giao.

Cần có sẵn kịch bản cho nhiều tình huống để ứng phó

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn lưu ý, dù kết quả thu ngân sách năm 2022 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đạt kết quả tích cực, nhưng thực tế số thu thuế, phí nội địa bình quân các quý đang có xu hướng giảm dần cho thấy những tín hiệu khó khăn, thách thức trong năm 2023.

Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vì thế cần sớm xây dựng, chuẩn bị những kịch bản ứng phó kịp thời; đồng thời theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng khoản thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời; song song đó là soát, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.