TP. Hồ Chí Minh: Không thiếu hàng phục vụ Tết
Siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm. Ảnh: Sơn Nam

Sức mua năm nay có thể tăng từ 10%-20%

Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, Tết Quý Mão 2023, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị hàng chục nghìn tấn hàng hóa. Trong đó, lương thực hơn 5.000 tấn; đường 2.000 tấn; dầu ăn 2.356 tấn; thịt gia súc hơn 5.600 tấn; thịt gia cầm gần 8.500 tấn; thực phẩm chế biến 1.485 tấn; rau củ quả hơn 9.000 tấn; thủy hải sản 297 tấn; trứng gia cầm hơn 54 triệu quả và khoảng 1.600 tấn gia vị…

Đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết, để chuẩn bị cho dịp Tết 2023 đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20% - 30% so với Tết 2022 và 40% - 50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%. Doanh nghiệp tập trung đảm bảo nguồn cung cho những mặt hàng thiết yếu như: Rau củ quả, thịt, cá, hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống…

TP. Hồ Chí Minh: Không thiếu hàng phục vụ Tết
Các mẫu giỏ quà Tết tại trưng bày tại siêu thị. Ảnh: Sơn Nam

Đại diện WinCommerce cũng cho biết, đang mở mới thêm hơn 300 siêu thị, cửa hàng Winmart/Winmart+, trong đó, đưa 80-120 cửa hàng WIN đa tiện ích vào hoạt động trong năm 2022. Hệ thống cũng chuẩn bị nguồn hàng tăng 30% so với thời điểm thông thường để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2023… Aeon Việt Nam dự kiến tăng từ 10-20% số lượng đối với các mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm như giỏ quà Tết, đồ khô các loại, bánh kẹo, thời trang...

Trong khi đó, mùa Tết năm nay, Co.op Mart, Co.op Extra đã đưa lên kệ gần 40 mẫu vỏ hộp quà tết giá cả đa dạng, đặc biệt, trong đó có hai hộp quà thủy sản, bốn hộp quà thịt bò, tất cả đều là hàng nhập khẩu cao cấp và lần đầu tiên xuất hiện tại bộ sưu tập quà Tết năm 2023 của hệ thống. Ngoài ra, 24 hộp và giỏ quà có giá cố định có thể đặt hàng trực tuyến hoặc đặt tại siêu thị, giao hàng miễn phí tại bất kỳ tỉnh thành trên cả nước.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op kiến nghị, nên tổ chức kết nối mang tính tổng thể để tạo ra một sức mạnh đồng bộ trong chuỗi cung ứng, có sự phân công giữa các vùng nguyên liệu, các tỉnh, thành thì sẽ huy động tổng thể hơn về nguồn lực. Cần sự liên kết trong tất cả các khâu, không đơn thuần chỉ là vận dụng, vận động các nhà phân phối, các nhà cung cấp sản xuất, mà cần phải có các đơn vị tham gia logictics, các đơn vị tham gia về tài trợ tín dụng.

Doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch

Theo dự kiến của Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, năm nay, hàng hóa bình ổn đáp ứng khoảng 43% nhu cầu thị trường. Đây được xem là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp truyền thống của TP. Hồ Chí Minh để đưa hàng Tết đầy đủ, dồi dào, giá cả hợp lý đến tay người dân, bên cạnh giá cả, chất lượng cũng luôn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp để cân đối về mức giá của mình.

Hiện các đơn vị bán lẻ đã lên kế hoạch cho hàng Tết từ cách đây ba tháng, đồng thời cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, giá cả tăng đột biến. Theo đó, nguồn hàng hóa dự kiến tăng 10-15% với tổng giá trị hàng hóa tồn kho là 10.000 tỉ đồng.

Ông Trương Chí Cường - Phó Tổng Giám đốc công ty Vĩnh Thành Đạt đánh giá, số lượng của những tháng gần đây đã cho thấy sức mua phục hồi. Thông thường thì trong mùa Tết từ 23 tháng chạp trở đi, sức mua sẽ tăng lên rõ rệt. Sức mua của ngày thường là khoảng 30%. Theo ông Cường, quan trọng nhất là phải đảm bảo đủ nguồn hàng hóa cung ứng cho dịp mua sắm cuối năm. Do đó, công ty cùng với các siêu thị, các nơi bán cung cấp hàng bình ổn luôn đồng hành với nhau để làm sao cung cấp đủ sản lượng kịp thời cho cho khách hàng trong mùa mua sắm Tết.

Theo ông Phan Văn Dũng - Tổng Giám đốc công ty Kỹ nghệ súc sản Việt Nam Vissan, nguồn nguyên liệu sản xuất thực phẩm chế biến được Vissan dự trữ để duy trì sản xuất tối thiểu từ 2-3 tháng. Như Vissan năm nay cũng chuẩn bị hơn 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, sản lượng doanh nghiệp dự kiến cung cấp ra thị trường tăng khoảng 8% so với cùng kỳ; hơn 4.000 tấn thực phẩm chế biến, tổng giá trị hàng hóa cho cao điểm Tết đạt trên 700 tỷ đồng.

Theo tính toán, giá nguyên liệu nhập khẩu đã tăng ít nhất 30% nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chỉ tăng từ 3 -15% cho thực phẩm Tết. Bên cạnh đó, dự đoán sức mua tăng ít nhất 20% so với ngày thường nên lượng hàng hóa được các doanh nghiệp chuẩn bị hướng tăng từ 20-30%.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết, Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh - Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay, TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu online và trực tiếp, diễn ra từ ngày 16/11 đến ngày 20/11 vừa qua. Sở cũng có kế hoạch hỗ trợ hệ thống phân phối trong kết nối cung cầu với các tỉnh, nhằm giới thiệu nguồn hàng mới, đặc sản có tiềm năng, chất lượng từ các địa phương cho thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Dịp này thành phố có khoảng 34.000 tấn hàng hóa trong chương trình bình ổn để phục vụ cho người dân trong dịp Tết. Bên cạnh đó, ngành công thương đang tập trung đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường; xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua dự trữ đúng tiến độ, kế hoạch; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ cho người dân.

“Cung ứng xăng dầu cũng là một việc rất quan trọng của Thành phố. Hiện nay, lượng dự trữ xăng dầu để phục vụ cho giai đoạn cao điểm Tết và sau Tết, các doanh nghiệp đầu mối của TP. Hồ Chí Minh đã nhập hàng và dự trữ đầy đủ nguồn hàng cho tiêu thụ gia tăng trong dịp Tết” - Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.