TP. Hồ Chí Minh: Tiếp tục phục hồi tăng trưởng kinh tế
Một góc trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi

Thông tin trên vừa được đưa ra tại Hội nghị bàn về kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh trong 10 tháng qua. Thống kê còn cho thấy, bên cạnh một số kết quả nổi bật về mức tăng trưởng và thu ngân sách, trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của TP. Hồ Chí Minh ước đạt gần 41 tỷ USD, tăng gần 13,5% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 30%.

Sự hồi phục còn năng động và mang nhiều dấu ấn hơn khi đến nay TP. Hồ Chí Minh đã đón được 25 triệu lượt khách nội địa và gần 2,7 triệu lượt khách quốc tế.

Theo lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, có được những kết quả ấn tượng trên, trước tiên là do những chính sách đúng, phù hợp thông qua việc tiếp sức cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề ở TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới cho xuất khẩu để giữ ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thời gia qua, thành phố đã rất nỗ lực tập trung tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn, giải phóng sức, phát huy kinh tế nội địa. Trong điều kiện khó khăn phải rất trọng tâm trọng điểm. Chính quyền TP. Hồ Chí Minh cũng tập trung xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội khi nguồn ngân sách có giới hạn, hoàn thiện các tiêu chí để thu hút đầu tư FDI khi một số nhà đầu tư lớn đang có xu hướng chuyển dịch dòng đầu tư đến Việt Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Quý IV hàng năm luôn được các doanh nghiệp xác định là thời gian "nước rút" để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh đặt ra. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, 57% doanh nghiệp xác nhận doanh thu đã cơ bản tạm ổn. Với sự trợ lực tích cực từ các gói hỗ trợ, niềm tin doanh nghiệp tăng lên đáng kể 21% doanh nghiệp tin tưởng sẽ có lợi nhuận tăng hơn các năm trước. Những tín hiệu lạc quan này cho thấy sự thích ứng với biến động để duy trì đà tăng trưởng của cộng đồng doanh nghiệp.

TP. Hồ Chí Minh: Tiếp tục phục hồi tăng trưởng kinh tế
Sản xuất công nghiệp duy trì ổn định tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Các đại biểu cho rằng, thời điểm từ nay đến hết năm 2022 và năm 2023, để giữ đà tăng trưởng, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách tăng khối lượng bán các mặt hàng cốt lõi, đa dạng hóa nguồn cung ứng toàn cầu và mở rộng sự hiện diện tại các thị trường quốc tế. Thách thức lớn nhất trong quý cuối cùng của năm là nguồn vốn và nguồn lao động đang được doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ.

Ông Đỗ Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc vận hành Tập đoàn Đại Dũng, cho biết thời điểm này, để giải quyết bài toán nhân lực, tập đoàn tiếp tục đào tạo tay nghề cho anh em công nhân, lực lượng quản lý; xây dựng thêm các chính sách phúc lợi, thu hút và giữ chân người lao động. “Về tài chính, chúng tôi tích cực tiếp cận các quỹ đầu tư, ngân hàng… để có sự hỗ trợ tốt hơn” - ông Đỗ Tuấn Anh xhia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết giải pháp cơ bản cho ngành ngân hàng hiện nay là tập trung vào giữ ổn định lãi suất cho vay, thực hiện tốt các chương trình tín dụng hỗ trợ của ngân hàng trung ương, của Chính phủ như gói 2%, cho vay 5 nhóm ngành ưu tiên với trần lãi suất không quá 4,5%.

"Để giữ ổn định lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí vận hành và giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên” - ông Lệnh cho hay.

Tuy nhiên theo ông Lệnh, xu hướng giảm tăng trưởng, tăng lạm phát và các chi phí lãi suất toàn cầu, đã có những tác động tiêu cực tới kinh tế thành phố, buộc ngành chức năng và các doanh nghiệp phải chủ động ứng phó.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, cho biết trọng tâm từ nay tới cuối năm sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kích thích tiêu dùng nội địa; đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, mở rộng thị trường; hỗ trợ xuất nhập khẩu cho nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến; xây dựng chuỗi cung ứng để triển khai chương trình bình ổn thị trường.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho hay, để tồn tại, sản xuất, quan trọng nhất là nhắm tới đội ngũ lao động, tìm thêm thị trường mới trong các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do, như Thái Lan, Indonesia, Parkistan. "Chúng tôi đã có sự chuẩn bị, phối hợp với các hiệp hội, ngành nghề để tăng cường, mở rộng thị trường mới, chuẩn bị cho mùa tết” - ông Hồng nói.