TP.Hồ Chí Minh: Sẵn sàng kịch bản xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao
Toàn cảnh buổi họp báo cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh: CTV

Vẫn trong tầm chủ động kiểm soát

Thông tin tại cuộc họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh cho biết, những ngày qua số ca mắc, số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn cao. Số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Bên cạnh đó, biến chủng Omicron cũng gây tâm lý lo lắng cho người dân. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố khẳng định vẫn đang chủ động kiểm soát được dịch bệnh. Trong nhiều tuần liên tiếp, cấp độ dịch vẫn ở mức 2. TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao.

“Thành phố đề nghị người dân không hoang mang nhưng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế, đặc biệt là 5K. Cố gắng thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất về những thói quen, sở thích của mình; cố gắng đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm thói quen tụ tập, la cà bởi đây là những yếu tố dẫn đến nguy cơ ca mắc mới cao" - ông Phạm Đức Hải bày tỏ lo ngại.

Đại diện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết, hiện thành phố có 319 trạm y tế và đã bổ sung 344 trạm y tế lưu động, nguồn nhân sự từ nguồn sắp xếp lại của quận, huyện từ Trung tâm y tế, các bệnh viện địa phương và Sở Y tế cũng đã điều chuyển nhân sự từ các bệnh viện trong trường hợp cần thiết để tăng cường thêm tại các khu vực có nhiều F0 cần chăm sóc tại nhà. Để hỗ trợ thêm hệ thống y tế lưu động và các cơ sở y tế, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã tham mưu và trình UBND thành phố ban hành đề án chăm sóc F0 tại nhà có sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân.

Về kế hoạch tiêm vắc-xin mũi 3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, sở đã có công văn gửi Bộ Y tế, tuy nhiên thời điểm hiện tại, cần tập trung tiêm hết cho nhóm chưa được tiêm mũi 2, cụ thể là nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi.

Liên quan đến việc có hay không tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, theo bà Mai, số ca nhập viện ở tầng 2, 3 trên 11.000, trong khi số giường thành phố hiện có trên 51.000, thành phố đang cố gắng để không để tình trạng quá tải xảy ra.

Thông tin về tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế, đại diện Sở Y tế thành phố cũng cho biết, nếu năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc, thì 10 tháng đầu năm 2021, số nghỉ việc là 968 trường hợp, tăng nhẹ ở khu vực điều dưỡng, bác sĩ và một số trạm y tế. (Dựa trên đơn thư, các trường hợp nghỉ do hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố cá nhân).

“Với ngành y tế, thực sự các bác sĩ nếu không nằm trong hệ thống công lập thì sẽ hoạt động tư nhân vì công hay tư đều có thể chăm sóc sức khỏe người dân”- bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

98% phụ huynh đồng thuận tiêm vắc-xin cho học sinh

Để chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường, đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố cho biết, sở đã hướng dẫn các trường chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng phương án phòng chống dịch, đặc biệt là cơ sở giáo dục được trưng dụng làm cơ sở phòng chống dịch. Bên cạnh đó, chuẩn bị phương án cụ thể và diễn tập xử lý nếu xuất hiện F0, F1. Mỗi trường phải dự thảo kịch bản và phân công cán bộ phụ trách phòng chống dịch của nhà trường từ khi đón học sinh đầu giờ đến cuối giờ.

Theo đó, để đảm bảo an toàn, việc tiêm vắc-xin cũng là một trong những biện pháp tối ưu đối với học sinh khi đến trường. Theo khảo sát ban đầu, 93% phụ huynh đồng thuận tiêm mũi 1, nhưng khi tổ chức tiêm thì tỷ lệ đồng thuận lên tới 98%. Đến 29/11, các quận, huyện, thành phố đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho học sinh và tiêm mũi 1 bổ sung cho một số trường hợp chưa tiêm, những ngày sắp tới tổ chức tiêm vét cho các em.

Hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn 124 trường học vẫn đang được sử dụng làm bệnh viện, khu cách ly. Trong đó có 3 trường học được sử dụng làm bệnh viện, 57 khu cách ly, 15 khu lưu trú cho nhân viên y tế, còn lại là các điểm tiêm vắc-xin Covid-19.

Khi tiếp nhận bàn giao từ ngành y tế, các nhà trường đã tiến hành cải tạo, sửa chữa, khử khuẩn, đảm bảo an toàn trước khi học sinh đến trường. Kinh phí cải tạo, sửa chữa do UBND quận, huyện chi trả theo hướng dẫn.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm này, số lao động quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp là hơn 39.752 người. Trong đó lao động từ các tỉnh miền Tây có hơn 18.500 người, khu vực Tây Nguyên là 478 người và tại các tỉnh Đông Nam bộ là 22.700 người.

Hiện tại TP.Hồ Chí Minh có 127 đơn vị giới thiệu việc làm, trong đó có hai đơn vị nòng cốt là Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên. Từ ngày 1/10, hai trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm hơn 63.000 người và giới thiệu các doanh nghiệp làm việc 26.500 lượt người./.

Bộ Y tế cho biết, trong ngày 29/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19, cả nước ghi nhận 13.770 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 13.758 ca ghi nhận trong nước (tăng 830 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 7.601 ca trong cộng đồng). Đồng thời, cả nước có thêm 16.088 người khỏi bệnh và 173 ca tử vong. Riêng TP.Hồ Chí Minh có 1.554 ca mắc mới.