Liên tục đổi mới tiệm cận thông lệ quốc tế

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW (Nghị quyết số 07) ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã liên tục đổi mới, cải cách công tác phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) tại thị trường trong nước, thông qua việc chủ động tham gia xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về phát hành, thanh toán TPCP theo thông lệ quốc tế. KBNN đã phát hành TPCP đa dạng kỳ hạn phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, đảm bảo khối lượng huy động đáp ứng nhu cầu vốn của NSNN. Chỉ tiêu về kỳ hạn phát hành TPCP tuân thủ các mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ đề ra trong từng giai đoạn.

Hiện nay, KBNN đã tổ chức huy động vốn TPCP đều đặn theo phương thức đấu thầu trên hệ thống giao dịch TPCP của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tạo sự ổn định, minh bạch của thị trường TPCP. Đồng thời, KBNN đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành, các sản phẩm trái phiếu cũng như các hình thức phát hành; thực hiện tái cơ cấu danh mục TPCP bằng cách tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, theo lô lớn; thực hiện nghiệp vụ hoán đổi TPCP.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân

Trong năm 2021 vừa qua, toàn bộ TPCP được phát hành theo phương thức đấu thầu có kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm. Lãi suất phát hành giảm trên tất cả các kỳ hạn so với cuối năm 2020. Với việc lãi suất phát hành giảm giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí huy động vốn cho NSNN.

Đặc biệt, để tăng thêm hiệu quả quản lý ngân quỹ nhà nước, KBNN đã phối hợp với HNX triển khai các nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi và triển khai thí điểm đấu thầu TPCP qua phương thức đa giá. Với cách làm này, tính riêng giai đoạn 2016-2021, KBNN đã huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng cho NSNN, tương ứng với mức bình quân năm đạt hơn 270 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 90% tổng mức vay trong nước hàng năm của Chính phủ; đưa tỷ trọng dư nợ vay trong nước trong tổng dư nợ vay của Chính phủ từ mức khoảng 60% vào năm 2016 lên khoảng 67% vào năm 2021; giúp nợ chính phủ giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài, giảm rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá.

Mặt bằng lãi suất huy động TPCP có xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn này. Cụ thể, lãi suất phát hành TPCP bình quân giảm từ 6,49%/năm (năm 2016) xuống còn 2,3%/năm (năm 2021). Đặc biệt, giảm mạnh tại kỳ hạn 5 năm (từ 6,18%/năm xuống còn trên 1%/năm) và kỳ hạn 15 năm (giảm từ 7,6%/năm xuống còn 2,4%/năm). Lãi suất vay giảm đã góp phần tích cực trong việc giảm chi phí vay nợ của NSNN, phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị.

Giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị và thực hiện cải cách công tác phát hành TPCP theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, việc phát hành TPCP đã được KBNN tập trung vào nhóm các nhà đầu tư, tổ chức. Theo đó, KBNN đã huy động được lượng vốn lớn cho NSNN với chi phí thấp hơn nhiều so với việc phát hành riêng lẻ cho dân cư thực hiện tại các KBNN địa phương trước đây.

Mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ của Việt Nam đang ở mức thấp

Hiện nay, so với một số quốc gia trong khu vực và quốc gia có cùng bậc xếp hạng tín nhiệm, mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ của Việt Nam đang ở mức thấp. Tính đến hết năm 2021, lãi suất phát hành phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam thấp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thấp hơn nhiều so với lãi suất phiếu chính phủ cùng kỳ hạn của các quốc gia có hệ số tín nhiệm ở mức gần tương đương trong khu vực như Indonesia, Ấn Độ…

Cùng với việc giảm dần lãi suất phát hành TPCP để giảm chi trả lãi của NSNN, chi phí cho các hoạt động phát hành cũng được KBNN đề xuất Bộ Tài chính kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài chính đã 2 lần rà soát, điều chỉnh giảm giá dịch vụ đối với công tác phát hành, thanh toán và cơ cấu nợ TPCP vào các năm 2018, 2021. Cụ thể, năm 2018, giảm 15% mức giá dịch vụ phát hành TPCP so với quy định trước đó; đồng thời, quy định mức trần tối đa đối với giá dịch vụ phát hành, thanh toán TPCP. Năm 2021, giảm 50% các mức phía đấu thầu phát hành, thanh toán, hoán đổi và mua lại TPCP so với quy định của năm 2018. Từ ngày 1/1/2022, giá dịch vụ đấu thầu phát hành công cụ nợ chính phủ; giá dịch vụ thanh toán gốc, lãi, tiền mua lại công cụ nợ của Chính phủ; giá dịch vụ đấu thầu hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ… đều được điều chỉnh giảm xuống. Đồng thời, việc quy định mức giá trần trong điều kiện khối lượng thực hiện phát hành TPCP mỗi phiên lớn đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí phát hành, thanh toán.

Theo đánh giá từ phía KBNN, lãi suất phát hành và các chi phí liên quan cho hoạt động phát hành, thanh toán gốc, lãi TPCP liên tục giảm trong thời gian qua đã tiết kiệm chi phí vay nợ của NSNN không chỉ trong năm phát hành mà còn trong cả các năm còn lại của vòng đời TPCP. Với kỳ hạn phát hành TPCP hiện nay từ 5 năm đến 30 năm, kết quả đạt được trong việc giảm chi phí vay nợ thực sự có ý nghĩa trong việc thực hiện tái cơ cấu NSNN theo chủ trương của Nhà nước.

Có thể thấy, với vai trò và nhiệm vụ được giao, KBNN đã tổ chức phát hành và quản lý danh mục TPCP chủ động, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với quản lý ngân quỹ nhà nước của KBNN trong giai đoạn vừa qua. Hiện nay, phát hành TPCP trên thị trường đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính, hiệu quả của NSNN, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho các dự án quan trọng quốc gia, đóng góp chung vào kết quả tăng trưởng kinh tế của đất nước.

3 mục tiêu đối với công tác phát hành phiếu chính phủ năm 2022

Với sự phát triển của thị trường trái phiếu trong nước những năm gần đây, phát hành TPCP đã trở thành kênh huy động vốn chính của NSNN. Do đó, nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành TPCP năm 2022 tại thị trường trong nước sẽ cao hơn năm 2021.

Để đáp ứng nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN; thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh yêu cầu về phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ, các quan điểm chỉ đạo điều hành của các cấp, KBNN đã xác định rõ 3 mục tiêu đối với công tác phát hành TPCP trong năm 2022 như sau:

Thứ nhất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát hành TPCP năm 2022, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách trung ương.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ chính phủ thông qua phát hành đa dạng kỳ hạn TPCP, hài hòa nghĩa vụ trả nợ của NSNN giữa các năm, giảm rủi ro đảo nợ trong ngắn hạn của NSNN và phát triển thị trường TPCP; đảm bảo mục tiêu về kỳ hạn phát hành bình quân TPCP năm 2022 ở mức từ 9 - 11 năm theo mục tiêu đề ra của Quốc hội.

Thứ ba, gắn kết chặt chẽ quản lý nợ công, quản lý NSNN và quản lý ngân quỹ nhà nước để nâng cao hiệu quả quản lý và tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN, đồng thời giữ ổn định lãi suất trên thị trường tài chính, tiền tệ.

Do đó, KBNN tiếp tục cải thiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động phát hành TPCP thông qua việc tăng cường công bố thông tin đầy đủ, kịp thời về cơ chế chính sách, kế hoạch, lịch biểu, kết quả phát hành, thanh toán gốc lãi TPCP. Phát hành đa dạng các loại kỳ hạn TPCP đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư; tập trung vào kỳ hạn dài để kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục TPCP, gắn với mục tiêu tái cơ cấu danh mục nợ TPCP theo mục tiêu về kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt từ 9 - 11 năm theo quy định của Quốc hội.