Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Gia Cư

Thông tin được chia sẻ tại hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 do Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 14/10.

Năm 2022 là năm thứ hai Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam, với chủ đề “Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26”.

Thông qua chuỗi sự kiện tại các Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành cùng các bên liên quan trong thị trường xây dựng như các cơ quan quản lý, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu, các hội chuyên môn, các tổ chức tài chính, tổ chức đánh giá chứng nhận công trình xanh… cùng phân tích thực trạng, cơ hội, rào cản từ đó đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, trong vòng 10 năm qua cả nước hiện có hơn 200 công trình xanh, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 6 triệu m2. Con số này rất khiêm tốn so với số lượng công trình, diện tích sàn xây dựng hàng năm ở nước ta hơn 100 triệu m2.

Các đại biểu, chuyên gia đều cho rằng, hiện có nhiều tiêu chuẩn, hệ thống đánh giá chứng nhận khác nhau nhưng về cơ bản công trình xanh là công trình hội đủ các yếu tố về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo tiện nghi, sức khỏe cho người sử dụng.

Trong kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, lĩnh vực do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương, bao gồm: Các quá trình công nghiệp (sản xuất vật liệu xây dựng); tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng; tòa nhà. Dự kiến năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính được Chính phủ giao trong Nghị định 06./.

Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, đã kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng. Do vậy, việc pháp lý hoá các tiêu chuẩn công trình xanh là yêu cầu cấp bách trong xu thế phát triển bền vững, đồng thời góp phần vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.