Văn kiện chương trình quốc gia mới cho Việt Nam (2022-2026) mục tiêu hướng tới 3 thành quả chính. Đó là, xây dựng sự thịnh vượng chung thông qua chuyển đổi kinh tế. Trong đó đặt ra mục tiêu, đến năm 2026, người dân ở Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, sẽ đóng góp và hưởng lợi một cách công bằng từ các chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện, đáp ứng giới hơn dựa trên sự đổi mới, làm chủ kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và công việc thỏa đáng.

UNDP phê duyệt Văn kiện chương trình quốc gia mới cho Việt Nam giai đoạn 2022-2026
Ảnh: UNDP

Thành quả mục tiêu thứ 2 mà chương trình tập trung hướng tới là lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và môi trường bền vững. Trong đó đặt mục tiêu, người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, sẽ được hưởng lợi và đóng góp vào môi trường an toàn và sạch hơn từ việc Việt Nam giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng chống chịu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cung cấp năng lượng sạch và tái tạo cũng như quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Thành quả mục tiêu thứ 3 mà chương trình hướng tới là về quản trị công. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2026, người dân ở Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, sẽ được hưởng lợi và đóng góp vào một xã hội công bằng, an toàn và bao trùm hơn dựa trên nền tảng quản trị công tốt hơn, thể chế có tính phản hồi hơn, pháp quyền được tăng cường, bảo vệ và tôn trọng các quyền con người, bình đẳng giới và thoát khỏi mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Về ưu tiên của chương trình, UNDP sẽ hỗ trợ phát triển năng lực thiết kế và thực hiện chính sách dựa trên nguyên tắc quản trị AAA (tiên lượng, thích ứng, nhanh nhạy) để giải quyết những thách thức phức tạp và ứng phó với những vấn đề mới thông qua: thu thập và phân tích dữ liệu nhằm giải quyết những hình thức nghèo đa chiều mới, đặt thiên nhiên và môi trường vào vị trí trung tâm của phát triển kinh tế; thúc đẩy số hóa và đổi mới toàn diện, lấy con người làm trung tâm; xem xét lại các lựa chọn chính sách và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình triển khai thành công; phát triển các nền tảng nhằm nâng cao khả năng hoạch định tài khóa và huy động nguồn lực./.