Để thực hiện mục tiêu nêu trên, trong năm 2023, Bộ Công thương tăng cường công tác kết nối cung cầu, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường. Bộ Công thương đã phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết, hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng hóa gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 9%
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khả năng tăng 9%. Ảnh: Hải Anh

Bộ Công thương cũng định hướng phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nhằm kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử.

Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương, tập trung vào các vùng nông thôn với các sản phẩm chủ lực; tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử, giao dịch điện tử và kinh tế số.

Cũng theo Bộ Công thương, mục tiêu trên là có cơ sở bởi năm 2022, thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ. Sau hai năm liên tục giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm nay đã bật tăng mạnh trở lại. Điều đó cho thấy các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch của nhà nước đã phát huy hiệu quả, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố, phục hồi và phát triển.

Bộ Công thương cho biết, quy mô và dung lượng thị trường năm 2022 đạt mức tăng trưởng rất cao so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, gấp 2,5 lần kế hoạch năm (tăng 8%). Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.