Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay có 51/63 sở GTVT địa phương được giao ủy thác, quản lý 9.646 km quốc lộ, chiếm gần 50% tổng số quốc lộ trên địa bàn cả nước. Đây là những tuyến đường vành đai, đi qua nhiều địa phương có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, lưu lượng vận tải thấp, chất lượng đường và tải trọng cầu còn nhiều bất cập hạn chế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, việc giao ủy thác cho các địa phương đã phát huy được lợi thế của các Sở GTVT trên địa bàn trong công tác quản lý, bảo trì và vận hành khai thác đường bộ, nhất là công tác phòng chống lụt bão.

Việc ủy thác cũng làm giảm bớt công việc, giảm bộ máy và biên chế hành chính của cho các Cục Quản lý đường bộ. Khi nhận ủy thác, Sở GTVT trở thành cầu nối của tỉnh với Bộ GTVT. Đồng thời, thông qua việc ủy thác, các Sở GTVT có thêm cơ hội để tiếp cận, tham khảo và vận dụng vào việc quản lý hệ thống đường địa phương đối với các định hướng cũng như ứng dụng KH-CN mới trong đầu tư xây dựng, bảo trì đường bộ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh, thu tiền của dân để bảo trì, sửa chữa hệ thống đường, do đó phải sử dụng hiệu quả từng đồng, đem lại lợi ích cho nhân dân và xã hội.

“Năm 2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải đấu thầu công tác bảo trì, bảo dưỡng tất cả các tuyến Quốc lộ đang quản lý. Các địa phương được giao ủy thác cũng phải tổ chức đấu thầu để xã hội hóa công tác bảo trì; đưa khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào công tác bảo trì. Đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với chất lượng, tiến độ, trật tự ATGT đối với các đơn vị quản lý và sửa chữa đường. Địa phương nào làm tốt bảo trì, bảo dưỡng đường sẽ được giao thêm, địa phương nào làm không tốt sẽ thu lại”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh./.

Đào Trường