Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tại Hội thảo công bố báo cáo "Sống lâu thịnh vượng: Già hóa dân số khu vực Đông Á - Thái Bình Dương" tổ chức ngày 28/3, Việt Nam đang bắt đầu trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.

Trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã được hưởng “lợi tức dân số” – sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được tạo ra bởi lợi thế có được từ nhóm dân số đang ở độ tuổi lao động. Lợi tức này hiện đã được sử dụng gần hết: thành phần dân số ở độ tuổi lao động đã đạt đỉnh vào năm 2013 và hiện nay đang giảm xuống.

gia hoa dan so
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia từ WB, Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế. Ảnh: MĐ

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định, dân số Việt Nam trong những năm tới sẽ có sự thay đổi lớn khi tỷ lệ lao động sẽ đạt đỉnh điểm. Cùng với đó là tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, Việt Nam chỉ mất 18 năm để nhóm dân số 65 tuổi trở lên tăng từ 7 lên 14%. Do đó, già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn đối với quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam, nhất là vấn đề bảo vệ lợi ích người lao động.

Còn theo các dự đoán của Liên Hợp quốc, số lượng người Việt Nam trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay lên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm tới hơn 18% số dân và biến Việt Nam từ một xã hội trẻ thành một xã hội già. Sự biến đổi dân số này mang đến những hậu quả khắc nghiệt, đòi hỏi phải có những hành động chính sách và thay đổi hành vi trong xã hội để giúp giảm nhẹ hậu quả.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, già hóa dân số tác động đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực của quốc gia, những yêu cầu về chi tiêu ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội cũng như phát triển các hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Riêng nguồn nhân lực, để giải quyết vấn đề này cần chú ý đến các giải pháp tận dụng được nguồn nhân lực của quốc gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng tăng năng suất lao động để bù lại cho lực lượng đã không còn làm việc.

Đồng thời, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội để người dân ngay từ độ tuổi lao động phải được tham gia, tích lũy được để khi về già có khả năng trang trải các chi phí là một vấn đề chính phủ Việt Nam đang tính đến. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội hướng vào mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội và chăm lo cho nhóm yếu thế, đặc biệt là những người cao tuổi. "Phải coi vấn đề già hóa dân số là một tham số quan trọng và phải được xem xét trong các mô hình, chiến lược phát triển", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Giang Thanh Long, giám đốc Viện Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, cần nhìn nhận vấn đề già hóa dân số trong bối cảnh năng động với ánh mắt công bằng thay vì nhìn nhận ở một bức tranh khiêm tốn trái chiều. Đồng thời, nếu đi theo xu hướng dịch chuyển thị trường thì Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng được những cơ hội rất tốt. Ông cũng cho rằng, nên duy trì người cao tuổi trong thị trường lao động nhưng cần đảm bảo nhu cầu và thu nhập xứng đáng để có thể đảm bảo đời sống cho nhóm người cao tuổi./.

Mai Đan