Việt Nam nỗ lực triển khai các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP26
Các lực lượng tham gia trồng cây đước tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Vĩnh Thành)

Tại cuộc họp, Chủ tịch Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) Alok Kumar Sharma đã trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc triển khai cam kết tại COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050, kế hoạch cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và nội dung Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam.

Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết, Chính phủ Anh sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam để cùng tiến tới mục tiêu đã cam kết tại COP26 và hướng tới COP27. Hai bên cũng thống nhất sẽ có những cuộc họp trực tiếp để thúc đẩy các hành động thực hiện cam kết, ứng phó với biến đổi khí hậu

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã triển khai quyết liệt các cam kết tại COP26 và đã có những bước tiến đáng kể. Trong đó, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 đã thể hiện các quan điểm xuyên suốt về vị trí và vai trò, mức độ ưu tiên, trách nhiệm, phương thức, nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu; đề ra mục tiêu tổng quát, cụ thể về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cùng với các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra theo các giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2050 nhằm đảm bảo đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Chiến lược cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Việt Nam nỗ lực triển khai các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP26
Người dân xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đốt rơm rạ sau thu hoạch. (Ảnh: Thế Duyệt)

Đối với nội dung kế hoạch cập nhật NDC của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đối tác nước ngoài huy động chuyên gia, xây dựng kế hoạch cập nhật NDC năm 2022. Nội dung NDC năm 2022 của Việt Nam sẽ bám sát các nội dung năm 2020, bổ sung thêm các hành động để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Về chương trình Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau những thông tin trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, các bên đã thống nhất về việc cử Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối chính trị, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Nguyễn Hoàng Long là đầu mối cấp kỹ thuật để triển khai các nội dung để sớm thống nhất về lộ trình và kế hoạch đàm phán.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma thúc đẩy các bên liên quan và Nhóm G7 sớm xác định các khoản cam kết hỗ trợ tài chính để Việt Nam chủ động thực hiện quá trình chuyển đổi. Về việc chuẩn bị cho Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng đề án tham gia của Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.

Ghi nhận và đánh giá cao những hành động, kết quả của Việt Nam sau COP26, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết, Chính phủ Anh sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam để cùng tiến tới mục tiêu đã cam kết tại COP26 và hướng tới COP27. Hai bên cũng thống nhất sẽ có những cuộc họp trực tiếp để thúc đẩy các hành động thực hiện cam kết, ứng phó với biến đổi khí hậu ./.

Việt Nam đã triển khai quyết liệt các cam kết tại COP26 và đã có những bước tiến đáng kể. Trong đó, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 đã thể hiện các quan điểm xuyên suốt về vị trí và vai trò, mức độ ưu tiên, trách nhiệm, phương thức, nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu; đề ra mục tiêu tổng quát, cụ thể về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cùng với các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra theo các giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2050 nhằm đảm bảo đạt mức phát thải ròng bằng 0.