Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung thời gian qua tiếp tục xu thế phát triển tích cực, đạt được nhận thức chung quan trọng về tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh.

Hợp tác toàn diện, ổn định

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc năm 2016 và đầu năm 2017 tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực và đạt nhiều tiến triển mới. Về quan hệ chính trị, hai bên tiếp tục tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, nổi bật là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1/2017) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (9/2016); cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC tại Peru (11/2016), giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM 11 tại Mông Cổ (14/7); chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Ủy viên trưởng Nhân Đại Trung Quốc Trương Đức Giang (11/2016) và nhiều chuyến thăm cấp Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ.

Thông qua các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí kiên trì, tôn trọng lẫn nhau, tăng cường trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, kiểm soát và xử lý thỏa đáng các bất đồng còn tồn tại và các vấn đề nảy sinh, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.

Quan hệ giữa hai đảng tiếp tục được tăng cường, lần đầu tiên hai bên tiến hành cuộc gặp đại diện hai Bộ Chính trị (10/2016), tổ chức tốt Hội thảo Lý luận lần thứ 12 giữa hai Đảng (12/2016); duy trì truyền thống tốt đẹp của Đặc phái viên của Tổng Bí thư sang thăm và chuyển Thông điệp của Tổng Bí thư hai Đảng nhân dịp Đại hội XII của Đảng ta; hợp tác đào tạo cán bộ tiếp tục được duy trì.

Hai bên phối hợp tổ chức tốt các cơ chế hợp tác quan trọng như: Phiên họp lần thứ 10 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương (4/2017); Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ 3 (3/2016); Đối thoại quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 6 (11/2016); Đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng lần thứ 2 (9/2016).

Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, công an. Hai bên đã tổ chức Hội nghị công tác cảnh sát biển lần thứ nhất (8/2016), cuộc gặp cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc (3/2017). Tàu hải quân Trung Quốc lần đầu tiên thăm cảng quốc tế Cam Ranh (10/2016) và Tàu hải cảnh Trung Quốc lần đầu tiên thăm Việt Nam (11/2016). Hai bên cũng đã tiến hành Hội nghị công tác cảnh sát biển lần thứ nhất (8/2016).

Giao lưu hữu nghị giữa các địa phương diễn ra sôi động. Tại gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang của ta và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây lần thứ 2 (2/2017), hai bên ký kết được nhiều thỏa thuận hợp tác về đào tạo cán bộ, quản lý lao động qua biên giới. Giao lưu nhân dân hai nước được tích cực triển khai với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc và Liên hoan Thanh niên Việt-Trung lần thứ III (11/2016).

Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch

Về thương mại: Theo thống kê của Việt Nam, năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 71,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 21,97 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập 49,93 tỷ USD, giảm 0,9%; nhập siêu 27,96 tỷ USD, giảm 13,7%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Kim ngạch thương mại song phương 3 tháng đầu năm 2017 đạt 18,87 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt 6,19 tỷ USD, tăng 47,7%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 12,67 tỷ USD, tăng 19,5%. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 6,45 tỷ USD.

Về đầu tư, tính đến tháng 3/2017, Trung Quốc có 1.615 dự án đầu tư tại Việt Nam, với số vốn 11,2 tỷ USD, đứng thứ 8/116 nước.

Về du lịch, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng khách nước ngoài đến Việt Nam, năm 2016 có 2,7 triệu lượt du khách Trung Quốc đi Việt Nam, tăng 51,4% so với cùng kỳ; 2,2 triệu du khách Việt Nam đi Trung Quốc, đứng đầu trong số các nước ASEAN. 3 tháng đầu năm 2017, có gần 950.000 lượt du khách Trung Quốc, tăng 163,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định, đường biên mốc giới được giữ vững, an ninh chủ quyền quốc gia và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được bảo đảm. Hai bên đã tiến hành Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Liên hợp biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc (1/2017); ký kết Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác thả giống nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ (1/2017).

Từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình Biển Đông tuy không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng trên thực địa, nhưng tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, khó lường. Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục duy trì trao đổi về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã đạt được và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt-Trung và các cơ chế đàm phán trên biển; kiên trì tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông./.

Theo chinhphu.vn