NTM

Ảnh tư liệu minh hoạ

Huy động 851.000 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo này, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng như ưu đãi thu hút đầu tư xã hội vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành tương đối đầy đủ. Từ năm 2012 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, bao gồm các chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Về nguồn lực đầu tư, Chính phủ đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ và tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 610.959 tỷ đồng, tăng 1,83 lần so với 5 năm trước. Trong đó, đầu tư cho phát triển sản xuất nông lâm thủy sản khoảng 221.515 tỷ đồng, đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn khoảng 389.444 tỷ đồng

Tính riêng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm vừa qua, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, NSNN là 266.785 tỷ đồng (31,34%), tín dụng đạt 434.950 tỷ đồng (51%), vốn doanh nghiệp 42.198 tỷ đồng (4,9%), người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỷ đồng (12,62%). Riêng NSNN hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình là 98.664 tỷ đồng (11,59%). Ngoài ra, Chính phủ đã thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân như cấp bù miễn thủy lợi phí (trung bình trên 4.000 tỷ đồng/năm), hàng năm chi thêm 7 - 8 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Cùng với đó, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao, bình quân đạt 20%/năm, so với tốc độ tăng tín dụng chung cho nền kinh tế là 18,5%. Tổng dư nợ tín dụng ngành nông nghiệp, nông thôn tính đến tháng 8/2016 đạt khoảng 900.000 tỷ đồng. Một số chương trình tín dụng đặc biệt cho tái canh cà phê, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch; liên kết sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao và xuất khẩu... đã được triển khai.

Kết quả đạt được là hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện đã góp phần đáng kể cho tăng trưởng GDP ngành giai đoạn 2011 - 2015 đạt 3,13%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch của Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra (2,6 - 3%); giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,68%/năm. Đời sống của dân cư nông thôn tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân/người/tháng khu vực nông thôn đến hết 2015 khoảng 2,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn khoảng 8,2%, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tính đến hết năm 2015 đạt 86%.

Tăng cường giám sát đầu tư công cho nông nghiệp

Mặc dù kết quả đầu tư, xây dựng nông thôn mới đạt được là tích cực, tuy nhiên báo cáo cũng cho biết hiện nay tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Theo số liệu báo cáo của các địa phương đến hết 31/1/2016 có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng số nợ đọng khoảng 15.277 tỷ đồng.

Báo cáo cũng chỉ ra một số nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Đó là nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp rất lớn nhưng chủ yếu dựa vào vốn NSNN, vốn ODA và vốn trái phiếu Chính phủ. Chưa huy động được sự tham gia của người dân, của khu vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó các chính sách còn chưa đủ mạnh, trình tự thủ tục còn phức tạp, sự chuyển biến về nhận thức còn chưa theo kịp thực tiễn. Việc đánh giá, giám sát hiệu quả sau đầu tư chưa được quan tâm đúng mức; thiếu nguồn vốn để duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư.

Do đó, 1 trong 3 nội dung kiến nghị tại báo cáo của Chính phủ là tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn nói riêng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

H.Y