Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Trong mục tiêu của cơ chế thử nghiệm được quy định tại dự thảo nghị định đề cập thông điệp về việc nhằm hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng; qua đó, hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, hiệu quả với chi phí thấp.

Mục tiêu này đặt ra trong bối cảnh hệ thống công nghệ, trong đó có các ứng dụng phục vụ lĩnh vực ngân hàng, phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Theo đó, cơ chế pháp lý cần theo sát để tận dụng tối đa những lợi ích mà công nghệ đem lại.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước trong nội dung dự thảo tờ trình Chính phủ, nhiều ứng dụng công nghệ mới gắn với thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang phát triển mạnh mẽ như điện toán đám mây (Cloud), phân tích dữ liệu lớn (Big data Analytics), chia sẻ dữ liệu mở qua giao diện lập trình ứng dụng (open API), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (A.I)... Những thành tựu công nghệ này áp dụng vào hoạt động ngân hàng có thể tăng hiệu quả hoạt động ngân hàng.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, xu hướng phát triển Fintech còn được thể hiện rõ nét qua việc các công ty khởi nghiệp công nghệ, các tổ chức không phải là ngân hàng có thế mạnh công nghệ tham gia vào các mảng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính (công ty Fintech).

Trong bối cảnh này, việc nghị định về cơ chế thử nghiệm Fintech được xây dựng cũng giúp cho các ngân hàng và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hỗ trợ công nghệ tài chính an tâm hơn trong việc cung cấp dịch vụ khách hàng. Ông Nguyễn Đăng Hùng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công nghệ tài chính ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho biết, thời gian qua các ngân hàng cũng đã rà soát các khung khổ pháp lý thì thấy rằng, còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Chẳng hạn về công nghệ thanh toán, việc tập trung 1 đầu mối để giúp các trung gian thanh toán kết nối với ngân hàng qua Napas thuận lợi nhất, tránh việc 1 trung tâm kết nối rất nhiều ngân hàng sẽ mất nhiều thời gian và chi phí. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật cũng phải có quy định hướng dẫn rõ việc này để tránh những rủi ro pháp lý cho các bên tham gia.

Vẫn cần sự kiểm soát chặt chẽ

Bên cạnh mục tiêu tạo ra một sân chơi rõ ràng cho Fintech phát triển, tận dụng tối đa ứng dụng công nghệ nhằm tăng hiệu quả và chất lượng hoạt động ngân hàng, thì việc kiểm soát rủi ro trong quản lý nhà nước cũng được đặt ra với quan điểm khá thận trọng.

Xu hướng bùng nổ của hoạt động công nghệ tài chính

Số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp Fintech tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân...

Trong số đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn với 47 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép, còn trong lĩnh vực cho vay ngang hàng cũng có khoảng 100 công ty với nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Nội dung dự thảo nghị định cũng đề cập việc xây dựng văn bản pháp lý lần này để tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp Fintech. Nghị định cũng hướng tới việc hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sử dụng các giải pháp Fintech tham gia thử nghiệm chưa được quy định trong khung khổ pháp lý, quy định quản lý chính thức.

Thực tế, việc kiểm soát rủi ro liên quan đến tài chính công nghệ cũng không phải là câu chuyện riêng của Việt Nam. Sự phát triển nhanh chóng, mở rộng phạm vi của Fintech đã khiến cơ quan quản lý tài chính – tiền tệ của nhiều quốc gia phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, giám sát như: nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà đầu tư…

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn cử trong hoạt động P2P Lending (cho vay ngang hàng) nổi lên một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu kiến thức, hiểu biết của người dân để gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này. Cũng có tình trạng lừa dối người vay về lãi suất “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất thực tế cao “cắt cổ”, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân…

Trong bối cảnh này, nội dung nghị định được xây dựng sẽ đưa ra các giải pháp tham gia vào cơ chế thử nghiệm, được đặt dưới sự giám sát thường xuyên, liên tục của cơ quan quản lý ngân hàng - tài chính nhằm hạn chế ở mức thấp nhất rủi ro, hệ lụy phát sinh. Thông tin, dữ liệu, kết quả thử nghiệm đối với các sản phẩm, dịch vụ tham gia vào cơ chế thử nghiệm này sẽ là cơ sở, căn cứ để cơ quan quản lý, giám sát cũng như nhà cung ứng dịch vụ tiềm năng tham gia vào cơ chế thử nghiệm đánh giá tính khả thi, lợi ích, rủi ro của giải pháp, từ đó đưa ra quyết định, cách thức ứng xử phù hợp tiếp theo.