5 mục tiêu lớn của giáo dục nghề nghiệp giai đoạn mới

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa tổ chức buổi làm việc nhằm thảo luận về một số chủ trương, định hướng, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp. Các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều ý kiến đóng góp giá trị để xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tương lai.

Xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp
Các chuyên gia cho ý kiến xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Minh Anh

Hầu hết các chuyên gia đồng ý, cho rằng chiến lược giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tới phải đạt được 5 mục tiêu cơ bản.

Trước hết, phát triển giáo dục nghề nghiệp phải là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tranh thủ thời cơ dân số vàng; hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao; thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, phát triển giáo dục nghề nghiệp cần chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo trọng điểm.

Thứ ba, phát triển giáo dục nghề nghiệp phải bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo.

Thứ tư, Nhà nước cần có chính sách từng bước phổ cập nghề cho thanh niên; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong ngân sách giáo dục - đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; tăng cường xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp ở những địa bàn, ngành, nghề phù hợp.

Thứ năm, phát triển giáo dục nghề nghiệp là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dân; chú trọng trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, các đại biểu đặt ra mục tiêu phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Chú trọng vai trò của người thầy và sự liên kết với doanh nghiệp

Tại buổi làm việc, nhiều chuyên gia đưa ra những ý kiến góp ý cho việc xây dựng dự thảo giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới.

TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến đóng góp một số điểm quan trọng vào dự thảo chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp. Ông Lực chỉ ra những điểm thiết thực, hợp lý cũng như bổ sung một số ý kiến mới mẻ vào định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Còn PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê (trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, đề án chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm sâu sắc tới nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo.

"Bên cạnh đó cần chú trọng phát triển trình độ tiếng Anh của người học. Đặc biệt phải đẩy mạnh thu hút đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp, làm nổi rõ vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao hiệu quả đào tạo lao động" - ông Trúc Lê nói.

TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp được coi là "sợi dây" xuyên suốt, làm cơ sở, định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong thời gian 10 năm tới.

Đây là sự tiếp nối của chiến lược dạy nghề, được thực hiện trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu hướng đến của chiến lược là hình thành, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng, bền vững.

Bên cạnh đó, chiến lược tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cả về số lượng, cơ cấu, chất lượng cho doanh nghiệp, thị trường lao động, gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động; qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Chiến lược cũng hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn mới đặt chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tuyển sinh khoảng 19,8 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 16,620 triệu người, trình độ trung cấp là 1,85 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,35 triệu người.

Trong số này ít nhất có 85% số người sau khi học nghề có việc làm đúng nghề và trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có 35% có văn bằng, chứng chỉ.