Mỗi người dân đều tự hiểu ý nghĩa của việc "dân làm, dân hưởng", nên kinh phí thực hiện phần lớn là do tự lực dân đóng góp.

Diện mạo thay đổi

Về xã Bình Định, huyện Kiến Xương vào những ngày cuối tháng 4 này có thể ngỡ ngàng bởi diện mạo nông thôn nơi đây thay đổi rõ rệt. Ô tô bon bon lướt nhanh trên con đường trải nhựa, bên đường rợp bóng cây thẳng tắp, chúng tôi cứ ngỡ như đang đi du lịch vào khu vực sinh thái... Đường nhựa trải thảm vào tận tới từng ngõ ngách các thôn xóm.

Dừng xe trước cổng trụ sở UBND xã đang xây mới khang trang, anh Trần Văn Huyên - Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực xây dựng NTM niềm nở tiếp chúng tôi. Anh khoe ngay: “Các anh chị nhà báo về đúng dịp toàn thể cán bộ xã đang họp báo cáo với huyện về thành quả kinh tế - xã hội của xã, trong đó phần lớn nhờ vào kết quả đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM của các cấp chính quyền và nhất là người dân, nên xã Bình Định mới có được bộ mặt như ngày hôm nay…”.

xây dựng nông thôn mới Thái Bình
Đường nhựa trải thảm tới từng ngõ ngách các thôn, xóm. Ảnh: H.Tr

Quả đúng như lời anh Huyên, xã Bình Định phát triển mạnh về nhiều mặt chính là nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân nơi đây. Từ nhiều năm trước, chính quyền xã đã xác định, muốn người dân ủng hộ, góp sức thì chính quyền phải thực sự vững mạnh, các chủ trương, chính sách phải “đi vào lòng dân”.

Chính vì vậy, ngay từ năm 2005, Bình Định đã triển khai nhiều phong trào, để phát huy hiệu quả cao nhất, mỗi năm xã đề ra một mục tiêu chính để thực hiện. Nhiều phong trào, mục tiêu đã đi trước cả chủ trương về các tiêu chí xây dựng NTM. Đơn cử như năm 2010, tỉnh Thái Bình khởi động phong trào cánh đồng mẫu lớn bằng cách áp dụng huy động các hộ gia đình dồn điền, đổi thửa, nhưng ở Bình Định, thời điểm đó mục tiêu này đã thực hiện xong.

Về đích sớm

Tuy nhiên, theo anh Huyên, một trong các tiêu chí khó nhất xây dựng NTM đó là làm đường giao thông, thủy lợi vì nhu cầu kinh phí lớn. Nhất là đối với hạng mục giải tỏa mặt bằng giao thông, lãnh đạo xã lo ngại người dân không đồng tình vì nhà cửa, đất thổ cư của họ đều đã ổn định từ bao đời nay. Ấy vậy mà khi thực hiện, toàn thể nhân dân xã đều thống nhất, nhiệt tình ủng hộ.

“Để mọi việc thông suốt, thì công tác tuyên truyền, vận động người dân là quan trọng nhất. Khi người dân thông tỏ tư tưởng, thực hiện tiêu chí giải tỏa làm đường nông thôn rất dễ…” anh Huyên cho biết.

Nhưng điều đáng nói là, cách thức xây dựng NTM của lãnh đạo xã Bình Định rất công khai, minh bạch và gần dân. Theo anh Huyên: “Xã đã phải thành lập Ban Giải tỏa, cử từng vị trí lãnh đạo “nằm vùng” tại địa bàn. Cho nên, khi thực hiện giải tỏa cả nghìn mét vuông đất, mà xã không mất một đồng đền bù. Thậm chí, có hộ được đền bù tiền đất, người dân còn tự nguyện ủng hộ lại địa phương…”.

Theo mục tiêu chỉ đạo của tỉnh, của huyện thực hiện xây dựng NTM ở Bình Định đạt đủ 19 tiêu chí vào năm 2015, nhưng đến hết năm 2013 đã thực hiện xong. Để xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, trong những năm qua, địa phương đã huy động tối đa các nguồn nhân lực với tổng kinh phí trên 74 tỷ đồng, trong đó nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 12 tỷ đồng, còn lại huy động từ các nguồn lực khác. Ngoài ra, người dân còn đóng góp hàng chục nghìn ngày công.

Bên cạnh đó, xã đã liên kết nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động, tạo điều kiện để cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất. Năm 2013, bình quân thu nhập của xã đạt gần 23,2 triệu đồng/người/năm. Hợp tác xã mở được nhiều dịch vụ có hiệu quả, hỗ trợ sản xuất… doanh thu đạt từ 10- 13 tỷ đồng, lãi và tích lũy 80- 100 triệu đồng/năm. Các trường, trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia, 8/8 thôn đạt thôn văn hóa, 100% số hộ dùng nước sạch, xây dựng được 1 khu gom xử lý rác thải tập trung hoạt động theo cơ chế của hợp tác xã…

Chủ trương “tạo sức sống” cho phong trào

Xã Bình Định chỉ là một trong những điểm sáng về phong trào xây dựng NTM ở tỉnh Thái Bình. Để những điểm sáng này nhân rộng hơn nữa, tỉnh Thái Bình đã có chủ trương xây dựng NTM với hình thức, nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ. Vì vậy, nhiều địa phương đến nay đã được tỉnh cấp trực tiếp xi măng làm đường.

Tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng phong trào hiến đất làm đường nở rộ. Ông Phí Văn Hoa, Bí thư thôn Thái Hòa phấn khởi cho biết, đến nay hầu hết các ngõ, xóm của thôn đều bắt tay vào cuộc xây dựng NTM. Chủ trương của tỉnh đã đi đúng hướng, đúng ý nguyện của nhân dân nên việc nhiều hộ gia đình hiến một vài chục mét vuông đất làm đường cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Xã Đông Hoàng - là một trong những xã nghèo của tỉnh, nhưng cán bộ xã ở đây rất nhiệt tình, tâm huyết với phong trào này. Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã cho biết, trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có một số tiêu chí không phải hao tốn về kinh phí nên cán bộ xã rất tích cực cùng với bà con nhiệt tình xây dựng như: Tiêu chí về văn hóa - xã hội, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh trật tự. Những tiêu chí còn lại, xã đã thành lập các ban vận động quyên góp, hỗ trợ từ xã xuống các tất cả các xóm; đặc biệt là việc huy động từ các nguồn lực xã hội như doanh nghiệp, những người xa quê thành đạt đóng góp xây dựng quê hương...

Mặc dù, nguồn lực có hạn, nhưng xã Đông Hoàng vẫn quyết tâm đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM. Theo bà Hằng, ngân sách xã rất yếu, vì vậy, cứ có nguồn kinh phí nào, xã lại tập trung vào những tiêu chí thiết yếu nhất phục vụ người dân như: Đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…

“Mặc dù vậy, một trong những tiêu chí là trụ sở làm việc của UBND xã Đông Hoàng được xây dựng từ năm 1970 là dãy nhà cấp 4, đến nay đã ọp ẹp, xuống cấp nhưng xã vẫn quyết để lại chờ khi nào có dư kinh phí mới làm. Quan trọng nhất, là đời sống kinh tế - xã hội của người dân được nâng lên, thì cán bộ xã mới tạm thời yên tâm được…”, bà Hằng chia sẻ.

Phải chăng, chính sự thấu đáo của các cấp chính quyền từ trên xuống dưới chính là động lực để tỉnh Thái Bình thành công trong phong trào xây dựng NTM…/.

Huyền Trang