Thép xuất khẩu lần đầu tiên vượt 12 tỷ USD

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2021, xuất khẩu (XK) thép đạt khoảng 14 triệu tấn với trị giá hơn 12,7 tỷ USD, tăng 43% về lượng và tăng gần 2,5 lần về trị giá so với năm 2020. Sản phẩm thép của Việt Nam được XK đến hơn 30 quốc gia.

VSA lý giải, năm 2021 là năm thuận lợi của ngành thép Việt Nam và toàn cầu. Trong bối cảnh các hiệp định thương mại có hiệu lực và được thực thi hiệu quả, đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành thép Việt Nam.

Bên cạnh đó, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã tạo điều kiện cho nhu cầu thị trường tăng mạnh, giúp xuất khẩu sắt thép trong nước gặp nhiều thuận lợi. Các nhà sản xuất lớn trong nước như Hoà Phát, Tôn Hoa Sen hay Nam Kim đều đạt con số xuất khẩu ấn tượng.

Xuất khẩu thép hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng nhờ tận dụng cơ hội từ FTA
Xuất khẩu thép hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: TL minh họa

Điển hình như Tập đoàn Hòa Phát, năm 2021 có hoạt động xuất khẩu tích cực, lần đầu tiên xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng đạt 2,3 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu chính là Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Sản phẩm tôn mạ cũng có một năm xuất khẩu rực rỡ khi đạt 297.000 tấn, đóng góp 69% tổng lượng tôn Hòa Phát cung cấp cho thị trường.

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA cho biết, sắt thép các loại của nước ta được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường ASEAN, Trung Quốc, EU, Mỹ, năm 2021 là năm thuận lợi của ngành thép Việt Nam cũng như toàn cầu. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cung ứng toàn cầu, thì đây lại là cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng này, trong đó có ngành thép Việt Nam.

Năm 2021, cơ cấu thị trường XK các sản phẩm thép Việt Nam ghi nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ, giảm XK sang các thị trường ASEAN, Trung Quốc và tăng XK sang thị trường Mỹ, EU. Điều này cho thấy sự linh hoạt thích ứng của các doanh nghiệp. Cụ thể, “top” 5 thị trường XK thép của Việt Nam năm 2021 gồm: ASEAN chiếm 28,6% tổng kim ngạch, giảm 14% so với năm 2020; Trung Quốc chiếm 21,3%, giảm hơn 15%; EU chiếm 12,5%, tăng gần 10%; Mỹ chiếm 7,5%, tăng gần 6%; Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 5%, tăng 2,2%.

Triển vọng năm 2022 sẽ tốt hơn khi dịch bệnh được kiểm soát

Theo VSA, năm 2022 với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và các ngành, các cấp, tình hình dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt hơn, tạo điều kiện cho các nhà máy thép hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn cung thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hơn nữa, tính đến nay Việt Nam đã tham gia ký và thực hiện 15 hiệp định thương mại tự do, tiếp tục tạo ra cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK hàng hóa.

Ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng, triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ chỉ đạo phải ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19. Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 9/1/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022. Các trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022 gồm: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh XK và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.

Với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và các ngành, các cấp, tình hình dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt hơn, tạo điều kiện cho các nhà máy thép hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn cung thép cho thị trường trong nước cũng như XK. Về mặt con số, VSA dự kiến, tăng trưởng sản xuất thép thô khoảng 8-10% so với năm 2021; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép thành phẩm có mức tăng trưởng tương ứng so với năm 2021.

Dù vậy, để đảm bảo cân đối cung cầu năm 2022, VSA khuyến nghị nhà nước có các chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy và bảo vệ sản xuất thép trong nước nhất quán, ổn định lâu dài; chủ trì xây dựng và sớm ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu; đồng thời hướng dẫn quy trình, sự tham gia của các bên (cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp).

Ngoài ra, cơ quan nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Để nắm bắt cơ hội thị trường, các doanh nghiệp thép đang tích cực triển khai nhiều giải pháp mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ cho sản xuất thép. Đơn cử từ năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát sẽ triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, công suất 5,6 triệu tấn/năm. Dự kiến, khi hoàn thành vào năm 2025, sản lượng thép của Hòa Phát sẽ đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, đảm bảo dồi dào lượng thép cho sản xuất và xuất khẩu.