Tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể lên tới 15%

20:11 | 10/03/2022 Print
Trong năm nay, khi các hoạt động của nền kinh tế được mở cửa trở lại và Chính phủ thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua cả chính sách tiền tệ và tài khóa, nên dự báo tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 15% cho cả năm 2022.

Tín dụng có dư địa tăng tốt hơn

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính tới cuối tháng 2, lãi suất huy động 12 tháng đã giảm nhẹ trở lại 0,006 điểm phần trăm, xuống còn 5,545%. So với cùng kỳ, lãi suất huy động vẫn ghi nhận mức giảm 0,14 điểm phần trăm.

Số liệu từ BVSC cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng (tới ngày 28/1/2022) đạt 2,74% - mức cao nhất trong 10 năm qua. Tín dụng tăng mạnh đã khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn và phải sử dụng tới kênh OMO để bơm tiền ngắn hạn ra ngoài hệ thống sau gần kênh này 1 năm đóng băng. Lãi suất liên ngân hàng cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều tháng. Thanh khoản căng thẳng thời gian qua một phần đến từ yếu tố mùa vụ khi nhu cầu thanh toán chi trả dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Do đó, BVSC đánh giá khi yếu tố này qua đi, lãi suất liên ngân hàng cũng sẽ hạ nhiệt trở lại.

Trong khi đó, số liệu mới hơn từ SSI Research cung cấp, theo dữ liệu từ cuộc họp thường kỳ Chính phủ cho thấy tín dụng tính đến cuối tháng 2 tăng 1,82% so với cuối 2021 - thấp hơn mức 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay. Như vậy, dư nợ tín dụng đã giảm 96 nghìn tỷ đồng so với tháng 1.

Tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể lên tới 15%

Chuyên gia của SSI Research lý giải bằng hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, tác động của yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán đến hoạt động tín dụng, trong đó nhu cầu thường tăng mạnh trước tết, và sau tết hạ nhiệt dần. Thứ hai, thời điểm Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực là giữa tháng 1 và doanh nghiệp có thể đẩy mạnh phát hành trái trước thời điểm này. Số trái phiếu này sau đó sẽ được phân phối, do đó có thể dẫn đến giảm dư nợ tín dụng tại các ngân hàng.

Tuy vậy, các chuyên gia của SSI Research vẫn duy trì quan điểm là Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm nay để đảm bảo mặt bằng lãi suất cho vay và huy động ở mức thấp. Tăng trưởng tín dụng vào năm 2022 được kỳ vọng vào khoảng 14 – 15%.

Cùng chung nhận định, các chuyên gia của BVSC cũng cho rằng, trong năm nay, khi các hoạt động của nền kinh tế được mở cửa trở lại và Chính phủ thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua cả chính sách tiền tệ và tài khoá, nên dự báo tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 15% cho cả năm 2022.

Biến động tỷ giá sẽ không quá lớn

Tính tới cuối tháng 2, tỷ giá trung tâm và tỷ giá USD/VND giao dịch thực tế tại ngân hàng thương mại có chung xu hướng tăng so với tháng trước, lần lượt ở mức 0,18% và 0,69%. So với cuối năm 2021, hai loại tỷ giá này cùng giảm 0,02% và 0,03%. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số Dollar-Index (DXY) ghi nhận mức tăng 0,17% so với tháng trước và 1,08% so với cùng kỳ 2021.

Theo mẫu theo dõi của BVSC, các đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á vẫn có diễn biến giảm so với USD trong tháng đầu tiên của năm 2022. Chỉ có VND, CNY và THB là các đồng tiền tăng giá so với USD. Đồng THB của Thái Lan tăng mạnh nhờ đà tăng của giá vàng khi đây là quốc gia có giao dịch vàng sôi động. Diễn biến căng thẳng leo thang ở Nga – Ukraine khiến nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản trú ẩn an toàn, bao gồm vàng, đẩy giá kim loại này tăng cao.

Tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể lên tới 15%

Chuyên gia của BVSC đánh giá, cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tháng 3 này là một sự kiện đáng quan tâm, khi đây là thời điểm FED kết thúc gói kích thích kinh tế (QE) và đang tính toán tới việc tăng lại lãi suất để kiểm soát diễn biến tăng nóng của lạm phát tại quốc gia này. Mặc dù vậy, với nền kinh tế vĩ mô ổn định và nguồn dự trữ ngoại hối lớn, BVSC đánh giá biến động của tỷ giá trong năm 2022 sẽ không quá lớn.

Trên thực tế, trong tuần vừa qua, mặc dù chịu tác động từ xung đột Nga – Ukraine, nhưng đồng VND giao dịch tương đối ổn định. Trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND giao dịch ổn định quanh mức 22.850 đồng/USD, trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 20 đồng, kết tuần ở mức VND 22.670/22.980 đồng (mua vào/bán ra). Tỷ giá trên thị trường tự do không có nhiều biến động mạnh trong tuần và giao dịch ở 23.460/23.510 đồng.

“Áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế và áp lực lạm phát cao hơn từ giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, về mặt tích cực, dòng tiền ngoại tệ có thể phần nào đc hỗ trợ từ việc mở cửa hoàn toàn biên giới quốc tế vào ngày 15/3” – Chuyên gia của SSI Research cho hay./.

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam