Sở hữu trí tuệ làm tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm

21:07 | 09/05/2022 Print
Từ thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, hoạt động sở hữu trí tuệ đóng vai trò tích cực, giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Đây là một trong những mục tiêu của Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg (ngày 22/8/2019) của Thủ tướng Chính phủ.

Bắc Giang - điểm sáng phát triển sản phẩm sở hữu trí tuệ

Ông Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, Bắc Giang là địa phương có hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) tích cực, hiệu quả, là điểm sáng trong nhiều năm qua với nhiều tài sản trí tuệ có giá trị lớn gắn liền với các đặc sản địa phương như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế… Điều này cũng thể hiện rõ qua số lượng văn bằng bảo hộ các tài sản trí tuệ mà tỉnh Bắc Giang đạt được.

Hiện tại, tỉnh Bắc Giang có 2.288 đơn đăng ký và đã được Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) cấp 1.180 văn bằng bảo hộ độc quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ - được xem là nhiều nhất cả nước.

Nhiều sản phẩm của tỉnh được bảo hộ thành công tại nước ngoài như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Úc... Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Sở hữu trí tuệ làm tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm
Thu hoạch vải thiều ở Bắc Giang. Ảnh: TL

“Phát huy thành quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các hoạt động SHTT, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương” - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.

Theo ông Lê Ô Pích, đầu tư cho sản phẩm SHTT là cả một quá trình gian nan với nhiều công sức. Không thể có các sản phẩm công nghệ cao được làm ra tại Bắc Giang hoặc mang thương hiệu Bắc Giang như nêu trên nếu tỉnh không tôn trọng và thực thi nghiêm túc các hoạt động SHTT.

Việc tôn trọng quyền SHTT hay nói cách khác là tôn trọng chất xám, tôn trọng kết tinh lao động, tôn trọng sự sáng tạo của người lao động trong và ngoài Bắc Giang chính là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cho tỉnh nhà.

Gia tăng giá trị tài sản trí tuệ

Tại hội nghị phát triển SHTT năm 2022 diễn ra tại Bắc Giang mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, thực tiễn cho thấy SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng dựa trên sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới như hiện nay.

Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lồng ghép SHTT trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT ở cả trung ương và địa phương đã đạt được kết quả đáng khích lệ, điển hình như thành quả tỉnh Bắc Giang đã đạt được.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Từ đó, đưa ra định hướng phát triển hoạt động SHTT cả ở trung ương và địa phương năm 2022 và các năm tiếp theo”- ông Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.

TS. Đào Đức Huấn - Trưởng phòng Quản lý quốc gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương cũng góp ý thêm, để thúc đẩy hoạt động SHTT cần tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao năng lực SHTT; xây dựng hệ thống tư vấn về phát triển SHTT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với Chương trình OCOP; đồng thời, phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP gắn với khai thác tài sản SHTT…

Nguyễn Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam