Cử tri Bình Định quan tâm nhiều vấn đề “nóng”

17:00 | 12/05/2022 Print
(TBTCO) - Chiều 12/5, đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã dự cuộc tiếp xúc cử tri tại Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Định. Bộ trưởng đã trả lời một số kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều vấn đề “nóng”, như: giá cả, lạm phát, tình hình phòng chống tham nhũng…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại huyện Tây Sơn, Bình Định

Kiến nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Tới dự cuộc tiếp xúc cử tri có các đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, gồm: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Kim Toàn; Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh; đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba; đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh.

Đại diện Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Định đã gửi đến hội nghị các kiến nghị của cử tri và nhân dân tỉnh.

Cử tri Bình Định quan tâm nhiều vấn đề “nóng”
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trả lời thẳng thắn các kiến nghị của cử tri Bình Định. Ảnh: Minh Tuấn.

Cử tri tỉnh Bình Định quan tâm đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc để góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo cử tri tỉnh Bình Định, sau khi thực hiện hỗ trợ giai đoạn 1, giai đoạn 2 về nhà ở cho đối tượng người có công và tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 (2021-2025), qua kiểm tra, rà soát, hiện trên địa bàn tỉnh còn hơn 5.000 hộ gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ thuộc các đối tượng là: người dân tộc thiểu số, cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai… cần được hỗ trợ về nhà ở theo quy định. Cử tri Bình Định kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương để sớm thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng nêu trên, đồng thời nâng mức hỗ trợ xây mới nhà ở thấp nhất là 50 triệu đồng/hộ và mức hỗ trợ sửa chữa, cải tạo nhà ở thấp nhất là 30 triệu đồng/hộ.

Đối với Luật Đầu tư công, cử tri Bình Định cho rằng, theo quy định tại điều 5 của luật, thì dự án giải phóng mặt bằng chỉ được tách riêng khi là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định và dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ và HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định. Tuy nhiên, thực tế có nhiều dự án có quy mô thuộc nhóm B nhưng việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cần được tạo thuận lợi để khi được phân bổ vốn sẽ triển khai thực hiện kịp thời.

Cử tri Bình Định quan tâm nhiều vấn đề “nóng”
Cử tri Bình Định quan tâm nhiều vấn đề “nóng”. Ảnh: Minh Tuấn.

Cử tri Bình Định đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung nội dung “dự án nhóm B do HĐND các cấp xem xét, quyết định” vào quy định này, nhằm đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện thuận lợi, hiệu quả.

Liên quan đến việc thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, cử tri Bình Định đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi luật theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp thực tế.

Cử tri Bình Định cũng kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, điều chỉnh mức thuế suất cho phù hợp thực tế đối với một số mặt hàng là thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá. Bởi theo cử tri Bình Định, mức thuế tiêu thụ đặc biệt 75% hiện nay là chưa đúng mức, cần điều chỉnh để hạn chế lượng người tiêu dùng sản phẩm không có lợi cho sức khỏe cộng đồng này.

Tại địa phương, hiện một số cơ quan trung ương đóng trên địa bàn đã được xây dựng trụ sở mới nhưng chưa bàn giao lại trụ sở cũ; cử tri Bình Định đề nghị các bộ, ngành xem xét chuyển giao trụ sở cũ để địa phương quản lý, sử dụng, bố trí cho các cơ quan, đơn vị tại địa phương đang thiếu trụ sở làm việc, tránh gây lãng phí tài sản công.

Kiến nghị trực tiếp tại cuộc tiếp xúc, một số cử tri hỏi một số vấn đề liên quan đến việc tăng mức lương cơ bản; điều chỉnh các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới; giá cả tăng cao ảnh hưởng tới đời sống của người dân…

Xây dựng cơ chế chính sách phòng, chống tham nhũng

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, sau thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kinh tế thế giới dần phục hồi là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát thế giới tăng cao. Bên cạnh đó, do khủng hoảng địa chính trị thế giới, Fed điều chỉnh lãi suất… đã khiến giá nhiều nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng, kéo theo giá cả, lạm phát tăng. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và lạm phát trong nước thời gian qua.

Cử tri Bình Định quan tâm nhiều vấn đề “nóng”
Cuộc tiếp xúc cử tri nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri và nhân dân Bình Định. Ảnh: Minh Tuấn.

Bộ Tài chính đã, đang và tiếp tục tham mưu Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.

Trả lời thắc mắc của cử tri liên quan đến giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, điều hành linh hoạt giá xăng dầu theo diễn biến của giá xăng dầu trong nước. Việc giá xăng dầu trong nước tăng do xăng dầu của nước ta phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. “Bộ Tài chính đã rất tích cực thực hiện để hạn chế đà tăng của giá xăng dầu” - người đứng đầu ngành Tài chính cho biết.

Cử tri Bình Định quan tâm nhiều vấn đề “nóng”
Cử tri quan tâm đến công tác điều hành giá cả, lạm phát, tránh ảnh hưởng tới đời sống người dân. Ảnh: Minh Tuấn.

Trên thực tế, giá xăng dầu của nước ta đã tăng thấp hơn so với đà tăng của giá xăng dầu thế giới trong suốt thời gian qua. Đó là kết quả của sự nỗ lực của liên Bộ Tài chính, Công thương và các địa phương.

Về nỗ lực phòng, chống tham nhũng thời gian qua- một vấn đề mà cử tri hết sức quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, công cuộc chống tham nhũng đã được thực hiện hết sức quyết liệt trên 3 phương diện: đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện chính sách pháp luật về chống tham nhũng và các cơ chế, chính sách để cán bộ, công chức không thể tham nhũng.

“Vừa qua, Hội nghị Trung ương 5 đã thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, đây là việc làm cần thiết, đúng đắn và phù hợp với tình hình hiện nay” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam