Bảo hiểm phi nhân thọ: Tăng vốn, chia cổ tức làm “nóng” mùa đại hội cổ đông

10:38 | 13/05/2022 Print
(TBTCO) - Kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường bảo hiểm thời gian tới, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, các cổ đông của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã nhất trí thông qua phương án tăng vốn điều lệ, chi trả cổ tức cao, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ở mức cao…

PJICO chia cổ tức tăng 60%, MIC tăng vốn điều lệ lên 1.930,5 tỷ đồng

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022 của Bảo hiểm PJICO đã thông qua đề xuất chia cổ tức năm 2021 bằng tiền là 8% - tăng 60% so với kế hoạch (kế hoạch là 5%). Cùng với việc thông qua phương án chia cổ tức vượt trội so với các năm, ĐHĐCĐ của Bảo hiểm PJICO cũng thông qua tờ trình sửa đổi bổ sung điều lệ sau khi kết thúc đợt phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn. Như vậy, vốn điều lệ của PJICO sau khi tăng vốn sẽ là hơn 1.108 tỷ đồng, với các cổ đông lớn là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Samsung Fire and Marine Insurance Co., LTD (SFMI), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Đại diện Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng cho biết, ĐHĐCĐ Bảo hiểm MIC đã thông qua tờ trình trả cổ tức 2022 dự kiến 15% và tăng vốn điều lệ từ 1.430 tỷ đồng lên 1.930,5 tỷ đồng. Đồng thời, đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2022 tối thiểu 40% và lợi nhuận tăng tối thiểu 35% so với mức thực hiện năm 2021.

Theo đại diện MIC, việc bổ sung vốn giúp doanh nghiệp tăng mức giữ lại đối với các hợp đồng, nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, từ đó cải thiện lợi nhuận, đồng thời tăng năng lực tài chính, tạo tiền đề để nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Theo đại diện Bảo hiểm PTI, năm 2022, PTI đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm đạt 6.350 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục tập trung vào hai nghiệp vụ bán lẻ trọng tâm là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người. Tại ĐHĐCĐ, phương án không chia cổ tức cũng được thông qua. Được biết, năm 2021 ĐHĐCĐ đã thông qua phương án chia cổ tức 10%, tuy nhiên theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022 hội đồng quản trị của PTI cũng đề xuất không chia cổ tức năm 2021 để thực hiện kế hoạch tăng vốn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị BIC Trần Xuân Hoàng trình bày những định hướng của BIC năm 2022 và trong những năm tới Ảnh: DN
Chủ tịch Hội đồng quản trị BIC Trần Xuân Hoàng trình bày những định hướng của BIC năm 2022 và trong những năm tới Ảnh: DN

Tại ĐHĐCĐ năm 2022 của Bảo hiểm VietinBank (VBI) đã xác định năm 2022 là năm trọng điểm để VBI tập trung bứt phá, tăng trưởng. Do đó, doanh thu kế hoạch dự kiến lên 3.100 tỷ đồng, tăng 30%. Mục tiêu lợi nhuận năm 2022 chạm ngưỡng 300 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2021, đưa công ty vào top 5 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, qua đó nâng cao vị thế và giá trị và đóng góp của VBI vào hệ thống Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Đại diện Bảo hiểm BIC cho biết, năm 2022, song song với việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu hiệu quả hoạt động, BIC sẽ nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng quy mô doanh thu phí bảo hiểm. Cụ thể, BIC đặt mục tiêu đạt 3.310 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, tăng trưởng 15% so với năm 2021, đồng thời tiếp tục duy trì và nâng cao lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

ĐHĐCĐ Bảo hiểm Bảo Minh cũng thông qua mục tiêu doanh thu năm 2022 tăng 6,6% lên 5.700 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 11,11% lên 340 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến tối thiểu 15%. Bảo Minh cũng đặt mục tiêu phát triển mảng bán lẻ bao gồm nghiệp vụ bảo hiểm con người và xe cơ giới...

Kỳ vọng hoàn thành mục tiêu

Để đạt được mục tiêu đề ra, đại diện Bảo hiểm BIC cho biết, công ty sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu phù hợp hơn với thực tế và định hướng kinh doanh; nâng cao chất lượng quản trị điều hành, quản lý rủi ro. Đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng; mở rộng mạng lưới kinh doanh tại các địa bàn trọng điểm.

Theo đại diện Bảo hiểm PTI để đạt được những mục tiêu quan trọng này, Bảo hiểm PTI định hướng tiếp tục đầu tư trọng điểm vào công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ quản lý hiện đại trong toàn bộ các mảng hoạt động kinh doanh; cải tiến và ra mắt sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ngoài ra, PTI cũng tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các công ty Fintech, Insurtech, nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư an toàn và có tỉ lệ sinh lời cao.

Tăng chất lượng tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trung gian

Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ có thêm những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán.

Chia sẻ về mục tiêu tham vọng năm 2022, đại diện Bảo hiểm VBI cho biết sẽ tập trung nguồn lực để khai thác các sản phẩm có hiệu quả, đặc biệt các sản phẩm trọng điểm. Về kênh phân phối, VBI tập trung khai thác các kênh bán hàng có ưu thế cạnh tranh, khai thác tối đa tiềm năng kênh phân phối qua ngân hàng trong hệ sinh thái VietinBank. Đặc biệt, với lợi thế cạnh tranh của VBI là ứng dụng hệ thống công nghệ 4.0 vào hoạt động và cung cấp dịch vụ, trong năm 2022, VBI tiếp tục cải tiến hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung để khai thác dữ liệu một cách đồng nhất…

Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, cùng với khả năng phục hồi của nền kinh tế, với định hướng phát triển bền vững, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Các lĩnh vực bảo hiểm bán lẻ sẽ phục hồi và bứt phá trong năm 2022 nhờ nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý và các giải pháp phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm, kỳ vọng doanh nghiệp sẽ hoàn thành kế hoạch được đề ra tại ĐHĐCĐ.

Hồng Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam