Thái Nguyên giải ngân vốn đầu tư đạt 25,3% kế hoạch vốn được giao

09:15 | 17/05/2022 Print
(TBTCO) - Dự kiến hết tháng 5/2022, Thái Nguyên giải ngân đạt 25,3% kế hoạch vốn được giao. Nhiều giải pháp đã và đang được tỉnh nỗ lực triển khai để giải ngân hết nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2022.
Thái Nguyên giải ngân vốn đầu tư đạt 25,3% kế hoạch vốn được giao
Công chức Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát thanh toán vốn ngân sách cho các đơn vị thụ hưởng. Ảnh minh họa: H.T

Năm 2022, tổng số vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên là trên 8.513,4 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao là 5.518 tỷ đồng và tỉnh giao thêm trên 2.995,2 tỷ đồng.

Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, dự kiến đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh giải ngân được trên 2.153,5 tỷ đồng, đạt 25,3% kế hoạch vốn được giao.

Kết quả này cho thấy các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tại tỉnh Thái Nguyên đã rất coi trọng công tác giải ngân. Theo đó đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công và thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành.

Để hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, với chức năng là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên đang kiến nghị UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý các dự án chủ động thực hiện hoàn thiện ngay đối với các dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán. Đối với các dự án chuyển tiếp, các chủ đầu tư cần đôn đốc nhà thầu tích cực triển khai thi công, khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục thanh toán để gửi kho bạc giải ngân.

Đối với các dự án có kế hoạch vốn khởi công mới, các chủ đầu tư cần khẩn trương bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện bản vẽ thi công dự toán, hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công dự án trong thời gian sớm nhất.

Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện những giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi chặt chẽ, bám sát công trình, dự án để kịp thời giải quyết những vướng mắc.

Đồng thời, các sở, ngành, địa phương phải coi giải ngân vốn đầu tư là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại công chức hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Đối với những trường hợp dự án thực hiện giải ngân chậm, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn cho những dự án có khả năng giải ngân vốn nhanh…

An Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam