Ổn định giá thị trường trong bối cảnh xăng dầu tăng giá:

Không thể trông chờ vào việc giảm thuế

07:06 | 23/05/2022 Print
(TBTCO) - Trước áp lực của giá thế giới, giá xăng trong nước có khả năng được điều chỉnh vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, gây áp lực lạm phát giá tiêu dùng, kìm hãm quá trình phục hồi nền kinh tế. Vậy cách nào để ổn định giá thị trường nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới? Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh xung quanh vấn đề này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp, nỗ lực điều hành giá xăng dầu của liên Bộ Công thương - Tài chính trong thời gian qua, khi giá thế giới tiếp tục tăng, gần chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít, tạo áp lực lên mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn giá thị trường?

Không thể trông chờ vào việc giảm thuế
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta biết rằng xăng dầu là hàng hóa đặc biệt, là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế, vì thế việc điều hành giá có tác động rất lớn. Nhưng cần thấy một thực tế là giá xăng dầu sẽ phải chịu tác động của giá xăng dầu thế giới khi lên, hoặc xuống. Rõ ràng Việt Nam chấp nhận nền kinh tế thị trường thì các loại hàng hóa cũng phải tuân thủ theo quy luật kinh tế thị trường, giá lên được điều chỉnh lên, giá xuống điều chỉnh xuống. Đó là nguyên tắc.

Trong thời gian qua, do yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ về việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế, khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta đã sử dụng nhiều biện pháp như: sử dụng quỹ bình ổn, giảm thuế bảo vệ môi trường… để giúp doanh nghiệp có điều kiện hồi phục, tăng trưởng tốt hơn.

Về nguyên tắc như đã nói ở trên, chúng ta chấp nhận kinh tế thị trường, giá cả lên - xuống theo quy luật cung - cầu, mà đặc biệt là giá xăng dầu chịu ảnh hưởng rất lớn của giá thế giới. Trong bối cảnh nêu trên, liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều hành giá xăng dầu khá linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ về việc hồi phục và tăng trưởng kinh tế; đồng thời cũng giúp cho chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2022 ở mức hợp lý.

PV: Có ý kiến cho rằng, có thể giảm thuế để hạ nhiệt tăng giá xăng dầu trong nước, ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thực tế các loại thuế và bình quân thuế trên giá xăng dầu hiện nay, trong đó có thuế bảo vệ môi trường đang thấp so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Theo tôi, việc giảm thuế là không nên vì “lợi bất cập hại”. Thứ nhất, nếu hạ thuế xuống sẽ gặp rủi ro, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Chúng ta cũng phải thấy rằng, việc giảm thuế nói chung không phải là biện pháp hỗ trợ có chủ định và mục tiêu. Nếu giảm thuế có có mục tiêu, thì Nhà nước phải chủ định, hỗ trợ “địa chỉ” nào, vào đâu để tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế. Nếu hỗ trợ cho sản xuất, thì Nhà nước cần quan tâm đến giá dầu, chứ không phải là giá xăng.

Không thể trông chờ vào việc giảm thuế
Lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng là vận tải.

Theo tôi, cần duy trì và sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn là công cụ giúp Nhà nước có thể điều chỉnh được hoạt động của nền kinh tế. Giảm thuế không hẳn đã tích cực mà sẽ trở thành tiêu cực nếu việc giảm thuế đó không có địa chỉ, cào bằng, gây mất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

PV: Trở lại vấn đề giá xăng dầu có khả năng vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, có những ngành hàng, mặt hàng chịu áp lực đẩy của giá xăng dầu, nhưng cũng có mặt hàng tăng giá kiểu “té nước theo mưa”, ông có bình luận gì về thực tế này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta có thế thấy, nhiều mặt hàng trong nền kinh tế không chịu nhiều ảnh hưởng của giá xăng dầu, nhưng bị đẩy lên. Đơn cử như giá rau, củ, thịt lợn, gà… giá xăng không ảnh hưởng nhiều đến mức tăng mấy chục phần trăm. Đây là dấu hiệu không bình thường. Trong khi đó, lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng đó là vận tải.

Tôi cũng nhấn mạnh, không nên giảm thuế, nếu giảm thuế cũng chỉ kiềm chế được 10 - 15% mức giá thị trường, trong khi đó nếu xăng dầu thế giới tăng 300% thì sao?

Nếu dự luật của Chính phủ Hoa Kỳ về việc không nhập dầu của OPEC đưa ra, thì giá xăng dầu có thể tăng 300%. Khi đó Nhà nước có giảm hết các sắc thuế cũng không thể giảm nhiệt của giá xăng dầu thế giới. Vì thế, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh lên, hay xuống phải theo giá thế giới.

Kiểm soát giá thành sản phẩm của doanh nghiệp

Để bình ổn giá thị trường, theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, cơ quan nhà nước phải tính toán được cấu thành sản phẩm của doanh nghiệp. Khi có giá thành chuẩn xác thì cơ quan nhà nước mới có thể quản được giá bán của doanh nghiệp, hạn chế tình trạng tăng giá kiểu “té nước theo mưa” như đã và đang xảy ra lâu nay. Ví dụ, như ô tô vận tải, xăng dầu chiếm 40% giá trị, nếu tăng 10% có nghĩa là giá vận tải phải tăng 4%; đối với đơn vị sản xuất kinh doanh, nếu tăng giá xăng dầu 10% thì khả năng tăng giá cũng chỉ 0,2 - 0,3%, không thể tăng lên 20%.

Theo tôi, giải pháp lúc này là giá xăng dầu càng cao thì càng phải sử dụng hợp lý, vì vậy Nhà nước cần có giải pháp khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế phải sử dụng xăng dầu tiết kiệm. Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải tính đến việc làm sao chi phí vận tải, kế hoạch hóa sản xuất hợp lý để sử dụng tiết kiệm xăng dầu. Về lâu dài, cần thay đổi việc sử dụng phụ thuộc vào xăng dầu sang sử dụng các nguồn nhiên liệu khác.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò điều hành, điều tiết của Bộ Tài chính, Bộ Công thương trong việc bình ổn giá hiện nay nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, Bộ Công thương phải đảm bảo cùng với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu tương ứng với giá của các quốc gia trong khu vực và thế giới để tránh buôn lậu. Bởi càng giảm thuế, hay giảm giá xăng dầu thì ngân sách thất thu, mà buôn lậu càng nhiều. Hiện giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn Campuchia, Lào, Trung Quốc, nếu Việt Nam hạ nữa thì buôn lậu sẽ gia tăng. Ngay trong quý I/2022, các lực lượng chức năng cũng đã bắt được nhiều vụ buôn lậu xăng dầu trên biển Tây Nam.

Để ngăn chặn tăng giá bất thường, cần xác định mức độ tác động của các nhân tố, đặc biệt là xăng dầu đối với các ngành, nghề, lĩnh vực như vận tải, cung ứng điện thế nào để từ đó tính tác động đến giá thành.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thúc đẩy phát triển xuất khẩu sản phẩm da giày

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu giày dép của Việt Nam có thị trường rộng lớn, đã hiện diện ở 44 thị trường chủ yếu, trong đó, năm 2021, có hơn 20 thị trường đạt giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD như: Mỹ, Trung Quốc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc... 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang 36/44 thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, Mỹ, Bỉ, Đức... là những thị trường có mức tăng khá.

Theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021 vừa được công bố, lần đầu tiên Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu, với khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020, đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu da giày. Đứng đầu danh sách các nhà xuất khẩu da giày là Trung Quốc, với 7,4 tỷ đôi giày xuất khẩu trong năm 2020. Sau Việt Nam, Indonesia đứng ở vị trí thứ ba, tiếp đến là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự phát triển của ngành da giày đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành cũng tranh thủ mở rộng sang các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 5,288 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng cao trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Diệu Linh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam