Giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng gần gấp đôi năm ngoái

21:30 | 23/05/2022 Print
(TBTCO) - Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đã tăng tương ứng 97,65% về số lượng và 86,68% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.

4 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 32,37% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 88,42% số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Giao dịch qua điện thoại di động tăng gần gấp đôi năm ngoái
Giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng gần gấp đôi năm ngoái. Ảnh: T.L

Mạng lưới thiết bị, điểm chấp nhận thanh toán được mở rộng bao phủ, cả nước có 20.552 ATM, 347.374 POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Các ngân hàng cũng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thạnh toán hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Tổng số tiền giảm phí ngành ngân hàng năm 2021 khoảng 1.557 tỷ đồng (tính cả năm 2020 thì con số này khoảng trên 2.000 tỷ đồng); khoảng 80% giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Đến nay, Chính phủ cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ điều phối chung Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chiến lược nêu rõ “Nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính”./.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam