Úc dẫn đầu lương tối thiểu trong các nước thành viên khối OECD

09:44 | 09/05/2015 Print
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Co-operation and Development – OECD) hiện đang có 34 thành viên, hầu hết là các quốc gia có thu nhập cao. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế, gần đây nhiều nước trong khối này đã điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Úc dẫn đầu mức lương tối thiểu trong các nước thành viên khối OECD

Hình vẽ trên minh họa lương tối thiểu theo giờ tại mỗi quốc gia. Ảnh: BI

Vừa mới đây, tổ chức OECD đã tổng hợp, đưa ra số liệu thống kê mức lương tối thiểu của toàn bộ 34 nước thành viên.

Hình vẽ trên minh họa lương tối thiểu theo giờ tại mỗi quốc gia, sau khi đã trừ thuế và tính bằng đồng USD. Theo đó, Australia và Luxembourg dẫn đầu với lương hơn 9 USD/giờ. 4 nước Tây Âu là Bỉ, Ai Len, Pháp và Hà Lan xếp kế tiếp, có mức lương trên 8 USD/giờ.

Nước Mỹ, vừa chính thức bị Trung Quốc soán ngôi vị nền kinh tế lớn nhất thế giới hồi cuối năm ngoái, chỉ đứng thứ 11 trong bảng danh sách. Người lao động ở “miền đất hứa” này được trả tối thiểu trung bình 7,25 USD trước thuế cho mỗi giờ làm việc, tức là 6,26 USD sau thuế. Tuy nhiên, con số này biến thiên khá lớn giữa các bang của Mỹ, từ 9,05 USD ở thủ đô Washington D.C., tới 5,15 USD ở bang Georgia và Wyoming. Có 21 bang đã tăng lương tối thiểu trong năm 2015 này, và nhiều bang đang chuẩn bị tăng lên thành 10,1 USD.

Xếp ngay sau Mỹ là 2 đất nước của khu vực Đông Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, với lương tối thiểu lần lượt 5,85 và 5,52 USD. Quốc gia châu Á còn lại trong danh sách là Israel có mức lương trung bình theo giờ 4,87 USD.

Trong top cuối, 5 nước Slovakia, Czech, Hungary, Estonia và Chile có lương tối thiểu chỉ trên 2 USD/giờ. Latvia và Mexico đứng cuối cùng danh sách này, với chỉ 1,46 và 1,01 USD/giờ.

Ở một góc nhìn khác thì người dân của các nước trong khối OECD cũng đang phải chịu mức thuế thu nhập rất khác nhau. Bỉ là quốc gia có mức thuế thu nhập cao nhất, tới 55,6%, còn Chile chịu thuế thấp nhất với chỉ 7%./.

Ngọc Vũ (theo Business Insider)

Ngọc Vũ (theo Business Insider)

© Thời báo Tài chính Việt Nam