Kinh tế Mỹ có thể bước vào giai đoạn phục hồi chậm lại

15:34 | 15/04/2015 Print
Mạng tin “Stratfor” trích dẫn nhận định của người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại New York, Bill Dudley cho rằng kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng trưởng 1% trong quý I/2015.

kinh te my

Sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất dầu khí đá phiến do giá dầu thấp làm "đóng băng" lĩnh vực này, Mỹ rất có thể bước vào giai đoạn của sự phục hồi chậm lại. Ảnh minh họa

Bill Dudley hy vọng tăng trưởng sẽ quay trở lại khi “những nhân tố tạm thời” tác động tiêu cực đến nền kinh tế này giảm đi. Mức tăng trưởng thấp hơn dự báo này nếu chính xác sẽ đẩy lùi khả năng tăng lãi suất vào giữa năm nay của Fed.

Trong khi đó nhiều nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang theo dõi sát sao những diến biến của kinh tế Mỹ, hy vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ tiếp tục giữ đà phục hồi như những quý trước đó.

Giới theo dõi thị trường toàn cầu đang tranh luận sôi nổi về dự báo thời điểm Mỹ sẽ tiến hành nâng lãi suất từ mức 0,25% đã được duy trì từ cuộc khủng hoảng năm 2008-2009.

Sự bật dậy của kinh tế Mỹ những quý gần đây đã khiến khả năng tăng lãi suất đến gần hơn bao giờ hết song những số liệu việc làm công bố hồi cuối tuần trước lại cho thấy một bức tranh kinh tế xấu hơn nhiều so với kỳ vọng, với mức kiến tạo việc làm thấp nhất kể từ tháng 12/2013, báo hiệu cho các số liệu kém khả quan về GDP trong quý I sẽ được công bố vào cuối tháng này.

Khi Mỹ được kỳ vọng là đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế thời gian gần đây trong bối cảnh Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, bất kỳ sự suy giảm nào của kinh tế Mỹ sẽ được cảm nhận khắp toàn cầu.

Kinh tế Mỹ đã phục hồi trong khoảng thời gian nhất định, vượt qua giai đoạn phải dựa vào gói QE và bắt đầu phát đi những tiến hiệu tích cực về việc làm. Tiến trình này được phản ánh trong việc đồng USD tăng giá.

Trong một thị trường toàn cầu nơi nhiều nền kinh tế đang gặp khó khăn trong việc tìm cách tận dụng xuất khẩu để tăng trưởng, thì có được nền kinh tế lớn nhất thế giới với đồng tiền tăng giá, trong khi lại không phải dựa vào xuất khẩu, dường như là môi trường lý tưởng cho các bên liên quan.

Đồng USD được xem là nơi trú ẩn an toàn khi tất cả các ngoại tệ khác đều mất giá so với đồng tiền này, trong khi đó sự tăng giá của USD có thể cho phép người tiêu dùng Mỹ nhập khẩu nhiều sản phẩm hơn từ nước ngoài.

Tuy nhiên, thông tin tiêu cực gần đây có thể đẩy lùi thời điểm tăng lãi suất của Fed, sớm nhất cũng phải đến cuối năm. Việc lùi thời hạn tăng lãi suất này sẽ ngay lập tức làm suy yếu đồng USD khi các nhà đầu tư toàn cầu phải điều chỉnh danh mục đầu tư theo kỳ vọng mới này.

Nếu mức suy giảm kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo, phần còn lại của thế giới có thể thấy rằng họ không có khách hàng nào rõ ràng để mua hàng hóa của mình. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu toàn cầu.

Nguồn nhập khẩu số một của Mỹ là từ Trung Quốc; người Mỹ tiêu thụ khoảng 19% hàng hóa Trung Quốc. “Ông lớn” châu Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu này cũng đang vật lộn với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 và nếu kinh tế Mỹ suy giảm sẽ càng làm trầm trọng thêm triển vọng kinh tế Trung Quốc.

Ở Nhật Bản, chính phủ nước này đang đặt ưu tiên cho chương trình kinh tế lấy việc hạ giá đồng yen làm trung tâm để kích thích lạm phát và tăng xuất khẩu. Nhật Bản có thể bước vào cuộc đua tiền tệ với các quốc gia khác khi tất cả đều tìm cách giảm giá đồng tiền của mình để thúc đẩy xuất khẩu. Điều này có thể buộc Tokyo phải hy sinh các kế hoạch kinh tế lớn nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kinh tế suy giảm trong 25 năm qua.

Châu Âu cũng đang hưởng lợi từ lợi ích đồng euro suy yếu so với đồng USD. Đức, nước phụ thuộc vào Mỹ như điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai, cũng đang buộc các nước láng giêng chọn mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu của mình.

Khi không có một thị trường bên ngoài tiếp nhận hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu, điều này càng khiến mục tiêu thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện này của châu lục này thiếu chắc chắn hơn.

Mỹ hiện đang tham gia đàm phán hai hiệp định thương mại là Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Cả hai hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo ra những lợi ích kinh tế to lớn cho các bên.

Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách ở châu Á và châu Âu, mỗi động thái tiêu cực từ kinh tế Mỹ, sẽ làm giảm sự hậu thuẫn chính trị cho các hiệp định này. Thực tế, hiệp định với châu Âu cũng đang vấp phải những trở ngại chính trị to lớn ngay cả khi kinh tế Mỹ còn đang tăng trưởng tích cực.

Trong một bước đi phản ánh rõ chủ trương không vội vã trong những quyết sách liên quan tới chính sách tiền tệ, ngày 7/4, các quan chức Fed bỏ ngỏ khả năng sớm tăng lãi suất cơ bản nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế và cải thiện thị trường việc làm.

Phát biểu tại diễn đàn Phòng thương mại Bismarck-Mandan, Chủ tịch Fed phụ trách khu vực Minneapolis, ông Narayana Kocherlakota cho biết ông và nhiều đồng nghiệp Fed lo ngại việc vội vàng tăng lãi suất các khoản vay nóng giữa các ngân hàng thương mại - đang ở mức gần như bằng 0% từ tháng 12/2008 - có nguy cơ không chỉ tác động tới đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn gây khó khăn cho đà cải thiện của thị trường việc làm.

Theo ông Kocherlakota, thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu tăng lãi suất là nửa cuối năm 2016. Trong trường hợp có thay đổi thì lãi suất cơ bản cũng chỉ tăng từng bước, từ 0,25% hiện nay lên 2,0% vào cuối năm 2017.

Phần lớn các nhà hoạch định chính sách của Fed, trong đó có Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, ủng hộ ý kiến chỉ bắt đầu tăng lãi suất cơ bản từ năm 2015 với điều kiện thị trường việc làm có những cải thiện nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, một số quan chức Fed theo trường phái “bảo thủ" thì cho rằng lãi suất cơ bản cần được tăng vào tháng Sáu tới, vì càng chờ đợi lâu thì Fed sẽ buộc phải nâng mạnh giá cho vay, khiến tỷ lệ lạm phát tăng vượt tầm kiểm soát.

Lộ trình không vội vã tăng lãi suất của Fed được đưa ra ngay sau khi Bộ Lao động Mỹ mới công bố báo cáo đà cải thiện của thị trường việc làm Mỹ trong tháng Ba vừa qua chậm lại rất nhiều so với mức dự kiến.

Trong tháng trước, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra được 126.000 việc làm mới so với mức trung bình 200.000 trong những tháng trước đó. Đây là số lượng việc làm mới được tạo ra trong một tháng ít nhất kể từ tháng 12/2013.

Một nguyên nhân lớn tác động tới thị trường này là do thời tiết mùa Đông quá khắc nghiệt, băng tuyết và nhiệt độ thấp được ghi nhận ở mức kỷ lục trong vòng hàng chục năm.

Với kinh tế Mỹ, rất có thể yếu tố mùa vụ đóng góp cho tăng trưởng việc làm thấp. Ngoài ra, ngay cả khi các số liệu GDP quý I có thể không tích cực như dự báo của Bill Dudley, người lạc quan có thể đề cập đến quý I của một năm về trước khi kinh tế Mỹ giảm tới 2,1% trước khi phục hồi mạnh mẽ trong suốt phần còn lại của năm (yếu tố mùa vụ cũng được cho là nguyên nhân chín trong trường hợp này).

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy điều này có thể là sự khởi đầu cho xu hướng suy giảm tiềm năng, với đồng USD mạnh đã tạo ra những tác động xói mòn vượt ra ngoài khu vực xuất khẩu.

Thêm vào đó, với sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất dầu khí đá phiến do giá dầu thấp làm "đóng băng" lĩnh vực này, Mỹ rất có thể bước vào giai đoạn của sự phục hồi chậm lại.

Phần còn lại của thế giới sẽ hy vọng rằng bất kỳ sự suy giảm nào chỉ mang tính tạm thời vì nhiều nước không có kế hoạch dự phòng cho sự phụ thuộc vào tăng trưởng mạnh của kinh tế Mỹ./.

Quang Tuyến (P/v TTXVN tại New York)

Quang Tuyến (P/v TTXVN tại New York)

© Thời báo Tài chính Việt Nam