Lễ Cúng thần rừng - nét văn hóa tâm linh của người Nùng xã Cốc Rế, Hà Giang

12:33 | 10/06/2022 Print
Trong quan niệm của người Nùng xã Cốc Rế, Xín Mần, Hà Giang, “Thần rừng” được coi là vị thần linh thiêng, che chở cho dân làng trong cuộc sống hàng ngày, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Lễ Cúng rừng vì thế mà từ lâu đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của họ.
Lễ Cúng thần rừng - nét văn hóa tâm linh của người Nùng xã Cốc Rế,  Hà Giang
Đồ lễ được chuẩn bị tại rừng.

Sự tích Lễ Cúng thần rừng

Truyền thuyết kể rằng: Xưa kia các họ tộc người Nùng ở Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang sống yên bình tại các sườn núi. Một hôm, vua phương Bắc sai quân đến xâm lược nhằm chiếm đất đai, của cải. Sau nhiều ngày giao chiến với kẻ thù, các tộc người Nùng bị thua trận nên phải rút vào các khu rừng rậm để bảo toàn mạng sống.

Do bị quân địch vây hãm nhiều ngày nên thiếu nước uống, khiến nhiều người và gia súc bị chết. Đúng lúc này, thủ lĩnh của người Nùng là Hoàng Vần Thùng, do chiến đấu quả cảm với quân địch đã bị thương và lâm bệnh chết. Để tỏ lòng biết ơn và thương tiếc người thủ lĩnh quả cảm, các trai tráng đã mổ trâu lấy thịt, lấy tiết thay nước nấu cơm làm đồ cúng tế và cầu xin Hạn Hung (tức vua trời) giúp đỡ. Xúc động trước tinh thần đoàn kết đấu tranh của các tộc người Nùng, Hạn Hung đã cử quân xuống giúp dân trừ giặc đem lại cuộc sống yên bình. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công giúp dân chống giặc, các tộc họ người Nùng đã dành khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp nhất trong bản để lập miếu thờ và tôn ông là Đổng Trứ (tức thần rừng).

Từ đó, cứ vào dịp tháng 2 và tháng 7 hàng năm; các bản làng của người Nùng trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức Lễ cúng Hoàng Vần Thùng tại miếu thờ. Trải qua nhiều năm tháng cùng những biến động của lịch sử, tục lệ này vẫn được người Nùng duy trì nhằm để tưởng nhớ Tổ tiên, cầu cho làng bản, gia đình ấm no hạnh phúc, mùa màng bội thu; đồng thời giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ.

Lễ Cúng thần rừng - nét văn hóa tâm linh của người Nùng xã Cốc Rế,  Hà Giang
Lễ hội Cúng rừng của đồng bào dân tộc Nùng xã Cốc Rế.

Giữ rừng, phát triển kinh tế gia đình

Ngày nay, Lễ Cúng thần rừng thường được các xã tổ chức gắn với mục tiêu xây dựng Làng kiểu mẫu. Lễ hội không chỉ có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vị trí, vai trò của cộng đồng gắn với thiên nhiên, hòa đồng cùng thiên nhiên, tôn trọng bảo vệ thiên nhiên, coi rừng là cuộc sống, gắn bó với rừng, bảo vệ rừng đã trở thành ý thức của cộng đồng người dân tộc Nùng. Ý thức đó được thể hiện ở từng gia đình, làng, bản; cũng từ đó, rừng sinh thủy để phục vụ đời sống sản xuất, cải tạo môi trường sinh thái và đem lại giá trị kinh tế cho gia đình, xã hội.

Trước khi tổ chức Lễ Cúng thần rừng, người dân địa phương thường họp bàn về cách thức, địa điểm thực hiện lễ cúng, chọn thầy cúng và chuẩn bị chu đáo lễ vật... Thầy cúng phải là người có uy tín, hiểu được phong tục, tập quán của dân tộc mình và là người được các thế hệ thầy cúng đi trước lựa chọn để truyền dạy các bài cúng. Lễ vật được chuẩn bị với 3 mâm, bao gồm: Mâm thứ nhất là mâm cúng “Thần rừng”, mâm thứ 2 là mâm cúng “Thần thổ địa” và mâm thứ 3 là mâm cúng “Thần mưa thuận, gió hòa” cho mùa màng bội thu. Mỗi mâm được bố trí sắp xếp các lễ vật khác nhau theo quy định của lễ cúng.

Bước vào Lễ cúng, thầy cúng dùng phần ngọn sừng trâu bổ đôi để khấn mời các thần lên mâm. Nếu sừng trâu có 1 miếng ngửa lên, 1 miếng úp xuống thì coi như là các vị thần đã đến trong mâm đầy đủ. Đối với các mâm, lễ vật được chuẩn bị bao gồm: Lợn, gà, rượu, xôi đỏ, hương... Trong đó, mâm cúng “Thần rừng” là mâm quan trọng nhất, được sắp xếp đặt ở vị trí cao nhất.

Sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ đồ lễ, thầy cúng bắt đầu xin phép “Thần rừng” được tổ chức Lễ Cúng thần rừng cho dân làng trong thôn. Sau đó, lấy những tệp giấy bạc do bà con nhân dân mang đến gấp thành 12 quân tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Các quân giấy bạc có hình dạng như những chiếc thuyền dùng để thay thế cho đồng tiền mà người dân sử dụng thời xưa. Thầy cúng tiến hành thắp 5 cây hương mời các vị thần về dự lễ hội...

Lễ Cúng thần rừng - nét văn hóa tâm linh của người Nùng xã Cốc Rế,  Hà Giang
Cán bộ Trạm Kiểm lâm tuyên truyền đến người dân lợi ích từ rừng và trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ rừng.

Các bài cúng được thực hiện đầy đủ các bước theo trình tự: Báo cáo với dân làng, dâng lễ vật, làm thịt gà cho các vị thần, dâng thần và cầu mong các vị thần phù hộ cho cả dân làng được bình an, không có bệnh tật, ốm đau, luôn luôn có sức khỏe lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết thúc buổi lễ, thầy cúng mời tất cả người dân trong làng cùng hưởng lộc, ăn cơm tại nơi tổ chức lễ cúng.

Gắn với Lễ Cúng thần rừng, ngày nay các thôn bản có rừng cấm còn quy định mọi tổ chức, cá nhân trong cộng đồng phải có trách nhiệm tôn tạo, phát triển các khu rừng cấm, nếu những người nào vi phạm ngoài có lỗi với thần rừng còn bị phạt theo quy định của pháp luật và quy ước của thôn. Chính phong tục này cùng với sự quản lý có hiệu quả của cộng đồng đã khuyến khích người dân nơi đây bảo vệ rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên. Đó cũng là lý do mà rất nhiều khu rừng cấm của cộng đồng đến nay vẫn được bảo vệ tốt. Trong đó có nhiều khu rừng đã giữ được những cây cổ thụ nhiều năm tuổi và nhiều loại thảo dược quý, phục vụ cuộc sống của con người.

Thu Dung

© Thời báo Tài chính Việt Nam