Hướng tới Kho bạc số: 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng

18:47 | 14/06/2022 Print
Bộ Tài chính vừa phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Kho bạc Nhà nước, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025. Bản Kế hoạch đã đưa ra nhiều mục tiêu phát triển công nghệ thông tin cho Kho bạc Nhà nước ở giai đoạn phát triển mới để tiến tới Kho bạc số vào năm 2030.

Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đơn vị giao dịch

Bản Kế hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Kho bạc dựa trên dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước (KBNN); từng bước chia sẻ dữ liệu mở; đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu.

Tiếp tục hoàn thiện, củng cố Kho bạc điện tử thông qua hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và công nghệ, kỹ thuật trong giai đoạn quá độ chuyển sang các hệ thống theo kiến trúc mục tiêu.

Tăng cường ứng dụng CNTT cho các mảng hoạt động quản trị nội bộ KBNN; các hoạt động liên quan đến quản lý điều hành nội bộ của KBNN thực hiện trên môi trường mạng để tăng tốc độ xử lý, giảm chi phí hoạt động.

Hướng tới Kho bạc số: 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng
Công chức KBNN Quảng Bình đang kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: H.T

Hạ tầng CNTT của KBNN được vận hành theo mô hình ảo hóa, sử dụng công nghệ điện toán đám mây, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật.

Xây dựng đội ngũ cán bộ CNTT của KBNN hướng chuyên môn sâu, theo vị trí công việc, đủ năng lực để quản lý, thực hiện công tác xây dựng, triển khai, quản trị, vận hành các hệ thống CNTT lớn. Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng cường hội nhập, học tập kinh nghiệm quốc tế, nhanh chóng tiếp cận các giải pháp, công nghệ mới để ứng dụng trong ngành.

Từ mục tiêu tổng quát đó, bản kế hoạch đã đưa ra những mục tiêu cụ thể cho việc ứng dụng CNTT phục vụ đơn vị giao dịch.

Theo đó, trong giai đoạn phát triển 2021-2025, toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN trong công tác quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ và tổng kế toán nhà nước được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại, có sự kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tới nghiệp vụ KBNN; từng bước mở, chia sẻ dữ liệu nhưng vẫn bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.

Có hệ thống quản lý định danh điện tử hướng tới định danh số để hướng tới 100% giao dịch thu, chi NSNN giữa cá nhân, đơn vị sử dụng ngân sách với KBNN thực hiện qua môi trường điện tử. 100% các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN được cung cấp qua DVCTT mức độ 4 và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ giao dịch đi quan DVCTT mức độ 4 đạt từ 95% trở lên.

Thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhận dạng thông minh và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ cốt lõi. Phát triển phương thức cung cấp DVCTT qua các thiết bị di động trong lĩnh vực quản lý quỹ NSNN, ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.

Bản Kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu về việc ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước. Theo đó, thời gian tới, 100% hồ sơ công việc tại KBNN được xử lý trên môi trường mạng (dưới dạng điện tử, không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật); 90% hồ sơ công việc giữa các cơ quan nhà nước xử lý trên môi trường mạng (dưới dạng điện tử, bao gồm các văn bản gửi song song cùng văn bản giấy). Các chứng từ trong quá trình giao dịch liên quan tới các nghiệp vụ của KBNN sẽ được lưu trữ điện tử.

Phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu về CNTT

Để thực hiện các mục tiêu trên, bản Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của KBNN đặt ra nhiệm vụ cho KBNN trong giai đoạn 2021-2025 cần phải phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng; phát triển dữ liệu, phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực.

Trong nhiệm vụ phát triển các ứng dụng, dịch vụ, Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý KBNN tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống DVCTT nhằm hoàn thiện, bổ sung các dịch vụ và tiện ích cho khách hàng giao dịch qua đa kênh như web, mobile. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng DVCTT KBNN thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Mở rộng triển khai kết nối hệ thống Kế toán hành chính sự nghiệp với hệ thống DVCTT để điện tử hóa đầy đủ và liên thông giữa đơn vị giao dịch và KBNN.

Phát triển các hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của KBNN theo kiến trúc CNTT của KBNN giai đoạn 2021-2030 phù hợp với Kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số, hướng tới Kho bạc số có sự kết nối và chia sẻ thông tin với các hệ thống dữ liệu quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biên chế ngày càng giảm nhưng khối lượng ngày càng tăng, để đáp ứng yêu cầu triển khai Chính phủ điện tử/Chính phủ số; Kho bạc điện tử hướng tới Kho bạc số đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Theo đó, Bộ Tài chính đã đặt ra nhiệm vụ cho KBNN trong giai đoạn phát triển mới phải đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về CNTT. Đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về CNTT và công nghệ cao nhằm đào tạo cán bộ, công chức CNTT và tư vấn, chuyển giao ứng dụng CNTT.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trong ngành gắn với vị trí việc làm, gắn đào tạo với việc bố trí, sử dụng công chức, viên chức tránh tình trạng đào tạo không đúng chuyên ngành, chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo xong không sử dụng gây lãng phí nguồn lực.

Đồng thời, KBNN tiếp tục nâng cao mức độ tiếp cận và năng lực khai thác, sử dụng các ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ tại KBNN và đơn vị sử dụng NSNN, tại các đơn vị, tổ chức kinh tế có liên quan và người dân.

An Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam