Cao Bằng kiên quyết xử lý mạnh tay chủ đầu tư, nhà thầu trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công

15:53 | 03/07/2022 Print
(TBTCO) - Hết quý II/2022, Cao Bằng đang đứng đầu danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm thấp nhất cả nước. UBND tỉnh Cao Bằng đang yêu cầu các cấp, sở, ngành, địa phương xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm tiến độ và chất lượng công trình, để tình trạng giải ngân bị trì trệ.

Theo tổng hợp báo cáo từ Bộ Tài chính, đến hết tháng 6/2022, dự kiến tỉnh Cao Bằng giải ngân được trên 384,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 8,3% kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 được giao (trên 4.607 tỷ đồng). Do đó, Cao Bằng hiện đang đứng đầu danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước.

Cao Bằng kiên quyết xử lý mạnh tay chủ đầu tư, nhà thầu trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công
Cao Bằng kiên quyết xử lý mạnh tay chủ đầu tư, nhà thầu trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa: H.T

Báo cáo từ UBND tỉnh Cao Bằng cho thấy, trong số 30 chủ đầu tư được giao vốn đầu tư công, chỉ có 10 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 20%, hiện còn 12 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân (với tỷ lệ giải ngân đến nay vẫn là 0%) là: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tài chính; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Cũng theo báo cáo từ UBND tỉnh Cao Bằng, năm 2022, địa phương có nhiều thuận lợi trong triển khai kế hoạch vốn vì tỷ lệ các dự án khởi công mới chỉ chiếm 12%, còn lại chủ yếu là dự án chuyển tiếp, có thể thực hiện giải ngân ngay mà không mất thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư.

Tuy nhiên, đã kết thúc quý II của năm mà kết quả giải ngân trên địa bàn tỉnh không đạt như kỳ vọng. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra là do tình hình thời tiết bất thường, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án; giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng, giá vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng lớn đến công tác lập dự toán và thi công xây dựng, dẫn đến việc nhà thầu triển khai thi công cầm chừng để chờ việc thay đổi giá. Bên cạnh đó, các dự án chuyển tiếp từ năm 2021 chủ yếu là tạm ứng thanh toán, do đó những tháng đầu năm 2022 phải hoàn ứng nên chưa có nhiều khối lượng để giải ngân mới. Một số dự án trọng điểm đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, chưa có khối lượng giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư tại một số đơn vị còn chậm...

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giải ngân vốn đầug tư công của tỉnh Cao Bằng đang rất chậm chính là những ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công như: Dự án phố đi bộ ven sông Bằng; Khu tái định cư đường phía Nam khu đô thị mới; Trường Mầm non Sông Hiến A; Đường và hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp Chu Trinh...

Đáng chú ý, ngoài việc chậm giải ngân vốn đầu tư, Cao Bằng hiện còn nằm trong nhóm 6 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022, với 538 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư. Nguồn vốn này được tỉnh Cao Bằng cho biết là dự kiến phân bổ cho Dự án Cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư do mới đây, tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng như chiều dài tuyến, cơ cấu nguồn vốn, dự kiến tăng tổng mức đầu tư... Theo đó, ngày 27/6 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng đã hoàn thiện báo cáo đề xuất phương án xử lý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong báo cáo này, tỉnh Cao Bằng đã kiến nghị điều chuyển số vốn 538 tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2022 được giao sang năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo UBND tỉnh Cao Bằng, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2022. Nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm, UBND tỉnh và các sở, ngành chuyên môn tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị chủ đầu tư, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, lập hồ sơ thanh quyết toán.

Đối với cơ quan, đơn vị chủ đầu tư không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân, UBND tỉnh kiên quyết điều chuyển chủ đầu tư, không giao làm chủ đầu tư các dự án khác; đồng thời kiến nghị với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ tỉnh ủy xem xét công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, sở, ngành, địa phương phải mạnh tay xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam