Chủ động các kịch bản, hạn chế thấp nhất tác động xấu từ bên ngoài

07:49 | 11/07/2022 Print
(TBTCO) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, đà tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2022 tạo ra hy vọng rất lớn cho 6 tháng cuối năm sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Tuy nhiên, để đạt đích tăng trưởng cần có những kịch bản chủ động để hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu từ bên ngoài đến kinh tế trong nước.

PV: Ông có bình luận gì về con số tăng trưởng quý II/2022 của Việt Nam mới được Tổng cục Thống kê công bố?

Chủ động các kịch bản, hạn chế thấp nhất tác động xấu từ bên ngoài
TS. Nguyễn Văn Hiến

TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố thì con số GDP quý II/2022 đạt 7,7%. Đây là một con số khá cao và khá ấn tượng, vượt xa mức dự báo trước đó (khoảng 5,9 - 6%) của quý II, đồng thời cũng cao hơn mức tăng trưởng của quý II/2021. Tăng trưởng của quý II/2022 kéo theo tăng trưởng của 6 tháng đầu năm của Việt Nam lên mức 6,4%. Đây là mức rất cao so với tình hình chung của thế giới khi rất nhiều nền kinh tế lớn đang có xu hướng chậm nhịp tăng trưởng, thậm chí có những nền kinh tế còn đang rơi vào tăng trưởng âm, suy thoái.

PV: Trong khi giá cả hàng hóa và xăng dầu đang leo thang, nhiều ý kiến cho rằng, con số tăng trưởng này chưa phản ánh chính xác được tình hình kinh tế của Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Đúng là nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng kinh tế thì chưa thể thấy hết được bức tranh kinh tế của Việt Nam trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm. Bởi vì trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là trong quý II, giá cả của rất nhiều mặt hàng đã tăng cao, nhất là xăng dầu, vật tư nguyên liệu nhập khẩu, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế; gây nhiều khó khăn về mặt đời sống cho người dân, nhất là những người lao động có thu nhập thấp. Điều này chưa thể hiện hết trong con số tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, Chính phủ đã làm rất tốt việc hạn chế tác động xấu từ bên ngoài vào nền kinh tế, đưa ra rất nhiều gói hỗ trợ, ổn định chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng và chúng ta đã đạt được mục tiêu này.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

PV: Quan sát bức tranh thực tế tình hình kinh tế Việt Nam trong 6 tháng qua, ông nghĩ thế nào về triển vọng tăng trưởng từ nay tới cuối năm của kinh tế Việt Nam?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam đang đi ngược xu thế tăng trưởng của thế giới. Điều đó cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong quý III và quý IV/2022 sẽ còn chứa đựng rất nhiều khó khăn, thách thức.

Ví dụ như xung đột địa chính trị Nga - Ukraine chưa kết thúc và cũng chưa ai dự đoán được nó sẽ kết thúc như thế nào. Điều này dự báo tình hình giá xăng dầu, giá vật tư nhập khẩu sẽ vẫn là thách thức rất lớn, đặc biệt là thị trường thế giới, cả thị trường xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều đã bị thu hẹp rất nhiều do đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở cao (tới 200% GDP), dẫn tới việc “nhập khẩu khó khăn”, khó khăn từ bên ngoài sẽ chuyển vào trong nước nên khó khăn của kinh tế thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhanh và trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, với đà tăng trưởng sẵn có của 6 tháng đầu năm và đặc biệt với kinh nghiệm và năng lực ứng phó của Việt Nam với khó khăn từ bên ngoài, kể cả kinh nghiệm ứng phó của Chính phủ, các bộ ngành đến bản thân các doanh nghiệp, cộng với những thuận lợi ở thị trường trong nước như giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tổng cầu đang tăng trưởng khá cao, là những yếu tố thuận lợi. Những yếu tố này báo hiệu đầy lạc quan có thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% mà chúng ta đề ra, thậm chí là có thể cao hơn.

Công nghiệp chế biến sẽ là động lực tăng trưởng trong các quý tiếp theo

Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, động lực tăng trưởng từ nay tới cuối năm nhìn chung cũng như 6 tháng đầu năm, đó là lĩnh vực công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, 6 tháng cuối năm sẽ có thêm động lực nữa là dịch vụ du lịch vì 6 tháng đầu năm, du lịch trong nước đã phục hồi tốt nhưng du lịch quốc tế còn hạn chế. Khi Việt Nam mở cửa, từ nay tới cuối năm chắc chắn du lịch quốc tế sẽ khởi sắc hơn.

PV: Mặc dù nền kinh tế đã khởi sắc trong 6 tháng đầu năm, song trong bối cảnh rủi ro bên ngoài còn phức tạp, nhất là rủi ro lạm phát, an ninh năng lượng và lương thực ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ông có kiến nghị gì nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2022?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng như Chính phủ đã đề ra, cần triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các chính sách và các giải pháp vĩ mô. Trước tiên, phải chủ động đưa ra các kịch bản để ứng phó với các thách thức ở bên ngoài, phải dự báo được diễn biến của địa chính trị và ứng phó được với tình hình giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu cao hơn nữa để từ đó, có những giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, cần hết sức đề phòng dịch Covid-19 bùng phát trở lại với biến chủng mới sẽ tác động xấu đến nền kinh tế trong nước.

Về vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, phải thực hiện kiềm chế lạm phát để đảm bảo lạm phát dưới 4% như mục tiêu của Chính phủ đề ra. Đồng thời, phải giữ được tỷ giá ổn định một cách tương đối, không có những bất thường của tỷ giá ảnh hưởng xấu tới cân đối kinh tế vĩ mô.

Việc đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng cũng là vấn đề cần phải quan tâm vì khi mở rộng tín dụng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế sẽ dễ dẫn đến chất lượng tín dụng không đảm bảo, làm gia tăng nợ xấu. Đồng thời, tín dụng đổ vào lĩnh vực đầu tư trung hạn, dài hạn nhiều như bất động sản sẽ gây ra áp lực lạm phát rất cao với nền kinh tế nên cần phải có kiểm soát chặt với dòng tín dụng, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực đầu tư trung và dài hạn.

Để tăng tổng cầu trong nước, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Bởi hiện nay, giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm còn rất thấp, nhiều bộ ngành mới chỉ giải ngân được trên 10%. Đồng thời, phải quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ mà Chính phủ đã công bố để phát huy tối đa và triệt để tác động tích cực của các gói hỗ trợ này.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh cải cách hành chính để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Độ trễ của tác động lạm phát là rủi ro lớn đe dọa sự phục hồi kinh tế

Chia sẻ về những rủi ro lớn đang đe dọa đà phục hồi kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Hiến nhận định, 6 tháng cuối năm sẽ còn rất nhiều khó khăn tiềm ẩn, nhất là khó khăn thách thức của kinh tế toàn cầu cũng như độ trễ từ tác động lạm phát và tăng giá đầu vào 6 tháng đầu năm.

Theo vị chuyên gia này, lạm phát sẽ làm cho đồng tiền trong nước mất giá, do đó sẽ tác động đến hành vi đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, tác động này diễn ra từ từ chứ không phải tác động tức thì. Khi lạm phát tăng, đồng tiền mất giá sẽ tác động tới tỷ giá, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu. Các hợp đồng doanh nghiệp ký kết đã thực hiện rồi nên doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh không thể dừng được, nhưng ở chu kỳ sau sẽ khác. Đó là tác động chậm của lạm phát, hay việc giá xăng dầu, vật tư nhập khẩu tăng lên thì trước mắt tác động ngay đến dịch vụ giao thông, sau đó lần lượt ảnh hưởng tới giá các mặt hàng cấp 1 sử dụng dịch vụ vận chuyển.

Do cước phí vận chuyển tăng lên ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến giá của sản phẩm đầu ra thứ cấp, vì vậy, lạm phát và tác động của tăng giá nguyên vật liệu 6 tháng đầu năm chưa phản ánh hết toàn bộ khó khăn của nền kinh tế và nó tiềm ẩn, tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của các quý tiếp theo. Đó cũng là vấn đề mà Nhà nước cần phải quan tâm và chủ động ứng phó.

Hà My (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam