Đồng Rúp lên giá sau quyết định của ngân hàng trung ương Nga

16:29 | 11/11/2014 Print
Sau thông báo trên của BoR, cả USD và euro đã xuống giá so với đồng rúp, giao dịch ở các mức 44,96 rúp = 1 USD và 56 rúp = 1 euro. Trong khi đó, trong tuần trước, giá trị đồng rúp ở các mức thấp kỷ lục so với các đồng tiền này là 48 rúp/USD và 60 rúp/euro.

dong rup

Ngân hàng trung ương Nga (BoR) đã thả nổi đồng rúp kể từ ngày 10/11, hủy bỏ việc áp dụng biên độ dao động hàng ngày của đồng tiền này cũng như chấm dứt những can thiệp thường xuyên vào thị trường, đồng thời tuyên bố sẽ chỉ can thiệp nếu sự "ổn định tài chính" bị đe dọa.

Việc cho phép đồng rúp giao dịch tự do trên thị trường có thể khiến đồng tiền này giảm giá mạnh hơn trong dài hạn, làm tăng lạm phát và gây ra các vấn đề kinh tế khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chào đón động thái mới nhất này của BoR, cho đó là quyết định cần thiết để bảo vệ dự trữ ngoại tệ của quốc gia và ngăn chặn đầu cơ.

BoR đã dùng ngoại tệ dự trữ bơm vào thị trường để hãm đà mất giá của đồng rúp và chỉ riêng trong tháng Mười, số tiền mà BoR dùng đến là 30 tỷ USD. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của Nga đã giảm từ mức 510 tỷ USD vào đầu năm nay xuống 400 tỷ USD hiện nay.

Sau thông báo trên của BoR, cả USD và euro đã xuống giá so với đồng rúp, giao dịch ở các mức 44,96 rúp = 1 USD và 56 rúp = 1 euro.

Trong khi đó, trong tuần trước, giá trị đồng rúp ở các mức thấp kỷ lục so với các đồng tiền này là 48 rúp/USD và 60 rúp/euro.

Đồng tiền rúp mất 1/4 giá trị kể từ đầu năm tới nay do nền kinh tế Nga đứng trước nguy cơ suy thoái dưới tác động của việc giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine gây ra làn sóng thoái vốn khỏi "xứ sở Bạch dương".

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng căng thẳng gia tăng ở miền Đông Ukraine có thể lại ảnh hưởng đến đồng rúp và thị trường cũng có thể thăm dò phản ứng của BoR, chờ xem ngân hàng này có can thiệp mạnh tay để ngăn chặn xu hướng xuống giá của đồng tiền này hay không.

Trước đó, với kế hoạch thả nổi tỷ giá vào năm tới nhằm chuyển mục tiêu sang điều chỉnh lạm phát thay vì duy trì tỷ giá đồng nội tệ, BoR đã từng bước nới rộng biên độ dao động của đồng tiền này và lượng USD được bơm vào thị trường mỗi ngày để hỗ trợ đồng rúp đã giảm từ hàng tỷ USD trong thời gian gần đây xuống 350 triệu USD/ngày theo thông báo hôm 5/11./.

Lê Minh (Tổng hợp)

Lê Minh (Tổng hợp)

© Thời báo Tài chính Việt Nam