Quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều

08:14 | 10/08/2022 Print
(TBTCO) - Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ. Dự báo năm 2022, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam khoảng 17 - 20%, đưa doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt trên 16 tỷ USD, chiếm khoảng 7,5% doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Điều này cho thấy tiềm năng của hoạt động thương mại điện tử là rất lớn. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý thuế.

Tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng

Ông Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay, những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội Việt Nam. Thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế, nhưng lại góp phần tạo nên sự tăng trưởng bứt phá cho TMĐT. Theo số liệu công bố của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, tốc độ tăng trưởng trung bình doanh thu TMĐT bán lẻ của 2 năm này đạt 17%/năm, đạt tổng doanh thu 13,7 tỷ USD và chiếm 7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2021. Dự báo năm 2022, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam khoảng 17 - 20%, đưa doanh thu TMĐT bán lẻ đạt trên 16 tỷ USD, chiếm khoảng 7,5% doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Còn theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2021, số lượng hàng hóa/dịch vụ trung bình trong mỗi đơn hàng trực tuyến của khách hàng từ năm 2019 đến nay tăng đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ người mua từ 10 - 15 sản phẩm trở lên gia tăng ấn tượng trong năm 2020. Các thông số chi tiết cho thấy tỷ lệ người mua 10 - 15 sản phẩm tăng từ 14% vào năm 2019 lên 24% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ người mua trên 15 sản phẩm cũng tăng từ 18% vào năm 2019 lên 29% vào năm 2020.

Chi tiêu dành cho mua sắm trực tuyến cũng cho thấy xu hướng tương tự, tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm từ 1 - 3 triệu đồng, 3 - 5 triệu đồng và trên 5 triệu đồng được ghi nhận tăng cao. Từ những con số trên có thể thấy rõ, các nền tảng TMĐT đã phần nào củng cố được niềm tin của người tiêu dùng, khiến họ sẵn sàng chi tiêu trực tuyến nhiều hơn.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý thuế

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của TMĐT đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Để quản lý kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các hoạt động giao dịch điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số.

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã lần đầu tiên quy định trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế; nghĩa vụ của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế tại Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN).

Bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, số thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến ngày 14/7/2022 đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu có một số NCCNN được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook là 2.076 tỷ đồng; Google là 2.040 tỷ đồng; Microsoft là 699 tỷ đồng.

Việt Nam là 1 trong 4 nước ASEAN có cổng kê khai thuế cho nhà cung cấp nước ngoài

Sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đến nay đã có 26 nhà cung cấp lớn (Microsoft, Facebook, Netfix; Samsung; TikTok; eBay…) đã đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD. Như vậy, Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 nước đầu tiên Khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Trước thực tiễn đặt ra, ngoài việc chủ động tuyên truyền hỗ trợ; tăng cường thanh tra - kiểm tra; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro, áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu... Hiện nay, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu một số ý kiến đề xuất giúp tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, điển hình như ý kiến đề xuất thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại nguồn đối với các giao dịch TMĐT, cụ thể là sẽ tách trừ trực tiếp thuế GTGT trên dòng tiền thanh toán thành 2 phần: 1 phần là tiền thuế GTGT sẽ được chuyển về tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế mở tại kho bạc, phần còn lại chuyển cho người bán.

Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần củng cố cơ sở pháp lý như sửa đổi Luật Thuế GTGT, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, trong thời gian chưa sửa đổi các quy định pháp luật về thuế, để có thể thực hiện khấu trừ thuế GTGT, khai thuế, nộp thuế tại nguồn thì sẽ triển khai xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu lớn, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT và các giao dịch thanh toán đối với dịch vụ số xuyên biên giới ngay khi phát sinh giao dịch để quản lý thuế kịp thời, hiệu quả.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam