Thị trường chứng khoán có cơ hội cải thiện về thanh khoản

15:56 | 10/08/2022 Print
(TBTCO) - Với việc trên 80% số lượng nhà đầu tư trên thị trường là cá nhân, phần đa là đầu tư theo xu hướng ngắn hạn thì việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+1,5 ngày và vận hành hệ thống giao dịch lô lẻ sẽ giúp thị trường chứng khoán cải thiện tích cực về thanh khoản.

Đây là chia sẻ về cơ hội gia tăng thanh khoản trên thị trường chứng khoán của ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

Thị trường chứng khoán có cơ hội cải thiện về thanh khoản
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc CSI.

*PV: Thưa ông, từ đầu tháng 8 tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy diễn biến hồi phục khá tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản. Ông đánh giá thế nào về thị trường trong giai đoạn này?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Từ đầu tháng 8, tôi đã nhận thấy những chuyển biến tích cực của thị trường chứng khoán trong nước.

Đầu tiên là về kinh tế vĩ mô, các chỉ số quan trọng, nhất là tăng trưởng GDP đều phục hồi trong quý II và kỳ vọng sẽ còn tăng trưởng cao trong quý III/2022.

Cùng với đó, kết quả kinh doanh quý II của trên 70% doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng gần 30% là tích cực, trong điều kiện mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm sâu. Thống kê cho thấy, chỉ số P/E bình quân về sát 10 lần, cá biệt một ngành có năng lực dẫn dắt P/E về dưới 10.

Trong khi đó, thị trường đã điều chỉnh sâu và có trạng thái tích lũy khá chặt chẽ trong tháng 7 với nhiều phiên thanh khoản cạn kiệt là tín hiệu của vùng đáy kỹ thuật.

Bước sang tháng 8, thị trường chứng khoán có tín hiệu khả quan khi sắp tới thời điểm áp dụng chu kỳ thanh toán mới T+1,5, vận hành hệ thống giao dịch lô lẻ... Thanh khoản thị trường tăng khá nhiều phiên liên tiếp, cổ phiếu tăng có sự lan toả...

"Với giai đoạn quý IV/2022 thì có lẽ cần thêm thời gian và thông tin để xác định được kịch bản thị trường chứng khoán, bởi dù sao thì chúng ta vẫn đang trong giai đoạn chính sách tiền tệ kiểm soát cung tiền nhằm kiểm soát rủi ro lạm phát" - ông Đỗ Bảo Ngọc.

Trên thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng có sự hồi phục ở giai đoạn này khi có nhiều tín hiệu đang chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng lạm phát có thể tạo đỉnh trong tháng 7 khi giá cả nhiều loại hàng hoá cho tiêu dùng, nguyên vật liệu cho sản xuất, lương thực, năng lượng đã đồng loạt giảm mạnh trong 3 tuần cuối tháng 7.

Đồng thời, kinh tế Mỹ đã suy thoái 2 quý liên tiếp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể điều chỉnh giảm biên độ tăng lãi suất trong thời gian tới khi CPI hạ nhiệt. Thậm chí, nhà đầu tư còn kỳ vọng lãi suất ở Mỹ đã gần đến mức mục tiêu nên áp lực tăng lãi suất sẽ giảm dần.

Với những chuyển biến tích cực nêu trên, thì tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 8 và phần còn lại của quý III/2022 sẽ có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số và thanh khoản sau giai đoạn giảm mạnh trong quý II và tích lũy chặt chẽ trong tháng 7/2022.

*PV: Trong tháng 8 này, chu kỳ thanh toán sẽ được rút ngắn, sau đó sẽ có thể là giao dịch lô lẻ trên HOSE. Theo đánh giá của ông, điều này sẽ hỗ trợ thế nào cho thanh khoản của thị trường sau này?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Với việc trên 80% số lượng nhà đầu tư trên thị trường là cá nhân và phần đa là “trading” ngắn hạn thì việc rút ngắn thời gian thanh toán và vận hành hệ thống giao dịch lô lẻ sẽ giúp thị trưởng cải thiện tích cực về thanh khoản.

Theo tính toán một cách số học thì việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống 0,5 - 1 ngày sẽ giúp tốc độ vòng quay vốn trên thị trường tăng lên khoảng gần 30% về lý thuyết. Tuy nhiên, về thực tế có thể cần thời gian trả lời khi các giải pháp mới được vận hành chính thức mới đo đếm được chính xác.

*PV: Thách thức chắc hẳn vẫn còn khá lớn, nhưng TTCK Việt Nam đang có được sự hỗ trợ nền tảng từ vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông, điều này sẽ tác động thế nào tới thị trường chứng khoán cuối năm?

Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 8 và phần còn lại của quý III/2022 sẽ có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số và thanh khoản sau giai đoạn giảm mạnh trong quý II và tích lũy chặt chẽ trong tháng 7/2022.

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cho rằng, các yếu tố thuận lợi ở hiện tại và những chuyển biến có thể tích cực hơn trong tương lai gần đã và đang phản ánh vào diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán ngay trong những ngày đầu tháng 8/2022 cho tới này. Diễn biến tích cực này có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Còn cuối năm, có thể những yếu tố kỳ vọng cho quý I/2023 mới là những yếu tố quan trọng tác động tới thị trường chứng khoán trong giai đoạn quý IV/2022. Giai đoạn này, các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng thay đổi khá nhiều nên cần thường xuyên cập nhật các diễn biến mới để dự phóng diễn biến thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán có cơ hội cải thiện về thanh khoản
Thanh khoản của thị trường chứng khoán sẽ được cải thiện. Ảnh: Minh họa.

*PV: Mặc dù yếu tố tích cực nhiều hơn, nhưng thị trường chứng khoán vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn cuối năm. Theo ông, nhà đầu tư nên quan sát và theo dõi những yếu tố rủi ro nào có thể tác động tiêu cực tới thị trường giai đoạn tới?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Giai đoạn chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang có những chuyển động lớn nhằm đối phó với rủi ro lạm phát, suy thoái, thì nhà đầu tư vẫn cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ các yếu tố trong và ngoài nước.

Ở ngoài nước, diễn biến lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn như FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là các yếu tố cần quan sát. Ngoài ra, một số rủi ro về địa chính trị vẫn còn khó lường nên có thể tác động tới dòng luân chuyển hoặc độ mở của dòng vốn trên toàn cầu.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, nhà đầu tư cần quan sát yếu tố lạm phát trong thời gian tới, khi áp lực nhập khẩu lạm phát vẫn lớn. Tuy nhiên, trong vấn đề này, điểm tích cực là Ngân hàng Nhà nước hiện tại đang có thể có đủ nội lực và dư địa để có biến pháp kiểm soát tình hình.

Ngoài ra, trong quý IV/2022, vấn đề thanh khoản trái phiếu và thanh khoản thanh toán cuối năm cũng là một áp lực đối với nhiều doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là nhóm có tỷ lệ lớn và đang gặp khó khăn về dòng tiền kinh doanh.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam