Khởi động dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh

15:24 | 11/08/2022 Print
(TBTCO) - Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh Việt Nam 2022 chính thức triển khai thực hiện trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2022; được kỳ vọng sẽ là cơ sở tham vấn cho cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư, doanh nghiệp về hoạch định chính sách phát triển logistics, quyết định đầu tư.

Ngày 11/8, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ khởi động Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) Việt Nam 2022. Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức.

Chủ tịch Hiệp hội VLA Lê Duy Hiệp chia sẻ thông tin về Chỉ số LCI tại buổi lễ. Ảnh Đỗ Doãn
Chủ tịch Hiệp hội VLA Lê Duy Hiệp chia sẻ thông tin về Chỉ số LCI tại buổi lễ. Ảnh Đỗ Doãn

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch VLA cho biết, dự án nhằm thực hiện Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có một số nhiệm vụ của Hiệp hội VLA gồm: Xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics, hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN dịch vụ logistics.

Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) Việt Nam 2022 do VLA khởi xướng, sau đó phối hợp cùng các đơn vị nghiên cứu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dream Incubator (DI) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cùng tham gia thực hiện.

Dự án cũng sẽ phục vụ cho sự phát triển của bốn trụ cột chính của hệ thống logistics trong phạm vi dự án, gồm: cơ chế, chính sách điều chỉnh; kết cấu hạ tầng logistics; DN cung cấp dịch vụ logistics và DN sử dụng dịch vụ logistics.

‘‘Tôi tin tưởng dự án sẽ làm cơ sở tham vấn cho cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư, DN, thương nhân về hoạch định chính sách phát triển logistics, quyết định đầu tư; về lâu dài, tiến đến cắt giảm chi phí logistics, lập kế hoạch phát triển sản xuất, dịch vụ ở các mức độ khác nhau của DN và là nguồn tham khảo về uy tín quản lý, kinh doanh đáng tin cậy…’’ – ông Lê Duy Hiệp nói.

Ông Lê Duy Hiệp cũng chia sẻ thông tin về chỉ số LCI. Theo đó, LCI là chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam.

Khi triển khai, chỉ số sẽ đem đến một bức tranh chung về ngành kinh doanh dịch vụ logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, bởi chỉ số sẽ tìm hiểu và lý giải vì sao có sự khác biệt, chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố trong phát triển logistics phục vụ kinh doanh, xuất nhập khẩu. Chính vì thế, những đánh giá từ kết quả chỉ số LCI sẽ có những tác động và đóng góp quan trọng cho các địa phương cũng như cộng đồng DN.

Toàn cảnh buổi lễ khởi động dự án Chỉ số LCI. Ảnh Đỗ Doãn
Toàn cảnh buổi lễ khởi động dự án Chỉ số LCI. Ảnh Đỗ Doãn

Cùng với tiếng nói của cộng đồng DN, chỉ số LCI sẽ được sử dụng để tham gia phản biện chính sách với chính quyền địa phương để cải thiện, phát triển ngành dịch vụ logistics phục vụ kinh doanh. Ngoài ra, con số và các đánh giá trong báo cáo chỉ số sẽ giúp DN trong và ngoài nước tìm đến LCI như là một hỗ trợ quan trọng cho việc quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh...

‘‘Chỉ số LCI cũng giúp truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về ngành dịch vụ logistics…’’ – Chủ tịch VLA nhấn mạnh.

Cần sự hỗ trợ, đồng hành từ nhiều bên

Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh có những đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics và cộng đồng DN. Để việc triển khai đạt hiệu quả cao, dự án rất cần nhận được sự hỗ trợ, đồng hành nhiệt tình, tích cực từ các cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp hội viên VLA… trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam