Đấu giá biển số xe ô tô: Thêm một kênh để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước

13:25 | 19/08/2022 Print
(TBTCO) - Bộ Công an vừa hoàn thiện hồ sơ và đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Theo Bộ Công an, việc cấp quyền sử dụng “biển số đẹp” bằng việc thu phí hoặc tổ chức bán đấu giá vừa đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa những người có nhu cầu và cũng là kênh để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Người trúng đấu giá được giữ lại biển số khi bán ô tô

Theo đề xuất của Bộ Công an, biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà cơ quan công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm. Người có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để tham gia đấu giá trực tuyến.

Cơ quan công an sẽ đăng công khai kho số đấu giá tại nơi đăng ký trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến và trên Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông để người dân biết. Trường hợp các biển số qua kỳ đấu giá không thành công thì hệ thống sẽ tự động chuyển về kho số không đấu giá để cấp theo hình thức ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe cho người dân.

Dự thảo nêu rõ, không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao…

Biển số xe ô tô hiện nay được bấm theo hình thức ngẫu nhiên.
Biển số xe ô tô hiện nay được bấm theo hình thức ngẫu nhiên.

Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu; được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe cùng biển số trúng đấu giá nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Cũng theo dự thảo, trong vòng 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký sẽ bị thu hồi. Người trúng đấu giá cũng không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe.

Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá được chia làm 2 vùng. Theo đó, vùng 1 gồm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có giá khởi điểm là 40 triệu đồng/biển số; vùng 2 là các địa phương còn lại có giá từ 20 triệu đồng/biển số.

Thời hạn thực hiện thí điểm nghị quyết là 3 năm. Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện, tổng kết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025.

Xây dựng nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn

Theo Bộ Công an, thực tế xã hội cho thấy nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích, thường gọi là “biển số đẹp” tùy theo quan niệm. Việc cấp quyền sử dụng “biển số đẹp” bằng việc thu phí hoặc tổ chức bán đấu giá vừa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng là một kênh để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Xuất phát từ nhu cầu nói trên, năm 1993, Bộ Công an đã nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số tự chọn tại 1 địa phương và đến năm 2008, Bộ Công an đã thống nhất với một số bộ ngành, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ triển khai thí điểm đấu giá quyền sử dụng biển số ở một số địa phương. Tuy nhiên, do vướng mắc về mặt pháp lý nên các hoạt động thí điểm nêu trên tạm ngừng thực hiện.

70% số tiền thu được từ đấu giá sẽ nộp cho ngân sách trung ương

Theo đề xuất của Bộ Công an tại dự thảo nghị quyết, tiền thu được từ đấu giá biển số, sau khi trừ các chi phí theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp cho ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho địa phương. Biển số qua kỳ đấu giá không thành sẽ được hệ thống tự động đưa vào kho cấp ngẫu nhiên.

Từ năm 2017 đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng cơ chế Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Song, qua quá trình nghiên cứu đề án, các cơ quan này đã nhận thấy, việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, không đạt được hiệu quả cao và cần có những cơ sở pháp lý vững chắc, mang tính đặc thù so với quy định pháp luật hiện hành.

Chính vì vậy, việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là hết sức cần thiết để “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành” theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đó, ngày 6/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết số 97 thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá theo đề nghị của Bộ Công an. Nghị quyết yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội để gửi cho Bộ Tư pháp và phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự án Nghị quyết nêu trên vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV theo quy trình tại một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Nhiều quốc gia cũng đã tổ chức đấu giá biển số xe

Bộ Công an cho biết, qua nghiên cứu quy định pháp luật tại một số nước như Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Myanmar, Hàn Quốc... cho thấy, một số nước có thực hiện cấp biển số bằng hình thức cho người dân tự chọn trong danh sách các biển số theo sở thích đã được liệt kê và phải trả một khoản phí cao hơn lệ phí đã quy định (Mỹ, Nhật Bản, Myanmar) hoặc tổ chức đấu giá (Thái Lan, Malaysia, Singapore).

Ở Singapore, người tham gia đấu giá chọn trên website biển số muốn đấu giá trong danh sách các biển số chưa cấp và nộp ngay số tiền đấu giá (tối thiểu 1.000 USD). Hết thời gian đấu giá, cơ quan nhà nước sẽ quyết định người trúng đấu giá và thông báo cho người đó biết để đi đăng ký. Biển số trúng đấu giá được phép chuyển nhượng (cho tặng, mua bán) cho người khác hoặc đổi sang xe khác nhưng phải nộp phí từ 100 - 1.000 USD.

Ở Malaysia, tổ chức đấu giá khoảng 1-2 tháng/lần, người tham gia đấu giá phải đăng ký và nộp ngay số tiền dự kiến đấu giá. Cơ quan đấu giá không thông báo số người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất (biển số đã đấu giá cao nhất khoảng 6 tỷ đồng), người không trúng đấu giá được trả lại tiền. Biển số trúng đấu giá không được bán cho người khác nhưng được phép đổi sang xe khác. Còn ở Thái Lan, tổ chức đấu giá biển số ô tô thông qua hệ thống phần mềm quản lý biển số và đấu giá biển số trên mạng internet. Người trúng đấu giá biển số sẽ được trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng biển số. Biển số trúng đấu giá có thể chuyển nhượng cho người khác.

Như vậy, nhiều quốc gia xung quanh Việt Nam đã tổ chức đấu giá biển số xe nhưng cách quản lý biển số các nước không giống nhau. Việc quản lý biển số phụ thuộc vào hệ thống pháp luật của mỗi nước, đây là một trong các nội dung để tham khảo, xây dựng nghị quyết, tờ trình của Bộ Công an nêu rõ.q CHI MAI

Mai Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam