Chuyển đổi số - nâng tầm cải cách, hiện đại hóa hải quan:

Bài 1: Hành trình 20 năm điện tử hóa quản lý hải quan

12:22 | 07/09/2022 Print
(TBTCO) - Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới đối với ngành Hải quan trong thời gian tới, nhất là về vấn đề cải cách, hiện đại hóa trong công tác quản lý. Ngành Hải quan đã đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể cùng với nhiều giải pháp trong trung và dài hạn. Để có cái nhìn tổng thể hơn về vấn đề này, TBTCVN thực hiện loạt bài viết với tiêu đề: “Chuyển đổi số - nâng tầm cải cách, hiện đại hóa hải quan”.

Hơn 20 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Hải quan đã đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa và đạt nhiều thành tựu, trong đó có vai trò rất lớn của công nghệ thông tin.

Tiên phong hiện đại hoá công tác quản lý

Đầu những năm 2000, khi phần lớn các quy trình hoạt động quản lý nhà nước đều đang ở dạng thủ công, ngành Hải quan đã tiên phong cập nhật các công nghệ mới trong công tác nghiệp vụ.

Từ năm 2001 đến năm 2005, Tổng cục Hải quan đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác nghiệp vụ. Có thể nói, đây là giai đoạn sơ khai về tin học hóa các khâu nghiệp vụ trong quy trình thủ tục hải quan. Trong giai đoạn này, Tổng cục Hải quan đã xây dựng, triển khai thành công các phần mềm ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý hải quan như công tác quản lý thanh khoản đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu; công tác quản lý giá tính thuế; công tác quản lý theo dõi nợ thuế;....

Nguồn: Tổng cục Hải quan  Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Thế Dương

Từ năm 2005 đến năm 2009 là giai đoạn đánh dấu quá trình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Hải quan. Tổng cục Hải quan đã triển khai thành công Hệ thống thông quan điện tử và Hệ thống khai hải quan điện tử, hay còn gọi là khai hải quan từ xa.

Từ năm 2010, thủ tục hải quan điện tử được triển khai thành công trên phạm vi toàn quốc. Đây là giai đoạn Tổng cục Hải quan tăng tốc, thực hiện mạnh mẽ cải cách, phát triển hiện đại hóa của ngành Hải quan.

Từ năm 2014, công tác cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan đạt được mốc phát triển mới, vượt bậc. Trong giai đoạn này, Tổng cục Hải quan đã chính thức triển khai thực hiện Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) tập trung cấp tổng cục. Tất cả các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa ở mức độ rất cao trừ những thủ tục hải quan đối với hàng hóa tiểu ngạch biên giới.

Đến nay, Tổng cục Hải quan cơ bản đã hoàn thành mục tiêu xây dựng hải quan điện tử với 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.

Đây là những minh chứng rõ ràng thể hiện sự nỗ lực, từng bước thay đổi của các thế hệ ngành Hải quan trong việc giúp cho người dân, doanh nghiệp (DN) tiếp cận thông tin cũng như hỗ trợ tạo ra các dịch vụ để người dân thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách, cũng như đối với quá trình thương mại, xuất nhập khẩu.

Chìa khoá hiện thực hóa mục tiêu hải quan số

Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hải quan số. Bên cạnh đó, chiến lược cũng đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh”. Đồng thời, yêu cầu và quan điểm phát triển của ngành Hải quan trong chiến lược là: “Lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan làm nền tảng cho phát triển hải quan trong thời kỳ mới”.

Như vậy, có thể nói, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa hải quan, là yêu cầu khách quan, không thể đảo ngược, là chìa khoá và cơ sở vô cùng quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu cơ bản hoàn thành hải quan số vào năm 2025 và các mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030.

Khoảng 15 triệu tờ khai hải quan mỗi năm

Với khoảng 15 triệu tờ khai hải quan mỗi năm cùng nhiều chứng từ, tài liệu kèm theo, chưa kể các hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực xuất nhập khẩu... nên khối lượng công việc đặt ra trong tiến trình chuyển đổi số của ngành Hải quan là hết sức nặng nề.

Do xu thế quốc tế, tính tất yếu trong chu trình hiện đại hóa, đồng thời thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Chính phủ và lãnh đạo các cấp về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tại Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 4/5/2022.

Trong kế hoạch này, Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (5% thuộc hồ sơ đặc biệt); 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số; 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa,...

Đến năm 2030, ngành Hải quan phấn đấu các chỉ tiêu khác được số hóa 100%, như: 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan; 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn:

Mô hình hải quan thông minh sẽ tạo ra bước đột phá

Quá trình xây dựng Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030, ngành Hải quan xác định mục tiêu tổng quát là: xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với hệ thống hải quan số và mô hình hải quan thông minh.

Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã phê duyệt “Chủ trương xây dựng mô hình hải quan thông minh là phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật trên thế giới và tại Việt Nam”. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Quyết định 97/QĐ-BTC phê duyệt chủ trương “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số”.

Việc thực hiện thành công mô hình hải quan thông minh sẽ tạo ra bước đột phá và nâng tầm phát triển của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thực hiện Hệ thống hải quan số và mô hình hải quan thông minh là một khối lượng công việc lớn chưa từng có tiền lệ. Để hoàn thành các nội dung đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với một số cục hải quan trọng điểm.

Cùng với đó, toàn ngành đã huy động lực lượng lớn cán bộ công chức ở khối cơ quan tổng cục và các cục hải quan địa phương tham gia làm việc chuyên trách, bán chuyên trách để xây dựng, hoàn thiện các bài toán về nghiệp vụ, về công nghệ thông tin; thực hiện thủ tục theo quy định về thuê dịch vụ công nghệ thông tin…

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam