Chuyển đổi số - nâng tầm cải cách, hiện đại hóa hải quan:

Bài 2: Nhận thức quyết định thành công của tiến trình cải cách

08:37 | 09/09/2022 Print
(TBTCO) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) nhận định, ngành Hải quan đã đạt nhiều kết quả trong cải cách hiện đại hóa những năm qua. Điều quan trọng là phần lớn công chức hải quan đã nhận thức được tầm quan trọng của công cuộc cải cách và hiện đại hóa nên có tinh thần trách nhiệm cao trong khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
Bài 1: Hành trình 20 năm điện tử hóa quản lý hải quan

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan thời gian qua?

Bài 2: Nhận thức quyết định thành công của tiến trình cải cách
PGS.TS Lê Xuân Trường

PGS.TS Lê Xuân Trường: Hải quan Việt Nam là ngành đi tiên phong trong cải cách hành chính và hiện đại hóa, trong nhiều năm qua. Hệ thống các quy định về thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực hải quan được xây dựng phù hợp với yêu cầu mục tiêu chung của cải cách nền hành chính quốc gia. Cụ thể như: thay đổi phương thức khai, nộp hồ sơ hải quan và thời gian giải quyết TTHC bảo đảm đồng bộ với việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử; quy định tập trung, cụ thể các loại chứng từ người khai hải quan phải nộp khi làm thủ tục; minh bạch hóa thời gian giải quyết TTHC; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hoạt động gia công, sản xuất, xuất khẩu, thông quan, vận chuyển nhanh chóng hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan, góp phần giảm chi phí, giảm tiếp xúc với công chức hải quan, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ giao nhận, logistics tại Việt Nam…

Từ năm 2014 đến nay, thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai thực hiện ổn định và thông suốt trên hệ thống VNACCS/VCIS (thông quan tự động) tại tất cả các đơn vị hải quan trên toàn quốc, xử lý trên 99% hồ sơ thủ tục hải quan. Bình quân mỗi năm, hệ thống VNACCS/VCIS xử lý thành công khoảng 11 triệu tờ khai hải quan điện tử, trong đó có khoảng 53% số tờ khai thuộc diện luồng xanh, tức là thông quan trong khoảng thời gian từ 1 - 3 giây. Đây có thể là thời gian xử lý TTHC nhanh nhất ở Việt Nam hiện nay, nhờ áp dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại của thế giới.

Từ năm 2017, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Đến nay, đã có 43 ngân hàng ký kết với Tổng cục Hải quan để phối hợp thu ngân sách nhà nước.

Ngành Hải quan chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hóa. Ảnh: PV
Ngành Hải quan chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hóa. Ảnh: PV

Các trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động nghiệp vụ hải quan như trang bị máy soi hành lý, hàng hóa, máy soi container, máy soi container di động, hệ thống camera giám sát, hệ thống seal định vị để giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng container... được đẩy mạnh đầu tư và đều được quản lý, sử dụng có hiệu quả.

Trong những năm qua, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường áp dụng các phương pháp quản lý hải quan hiện đại như: xác định trước mã số, trị giá, xuất xứ; kiểm tra sau thông quan; quản lý rủi ro; công nhận doanh nghiệp ưu tiên về hải quan; đánh giá tuân thủ pháp luật hải quan… mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

PV: Dưới góc độ một chuyên gia, theo ông đâu là những thuận lợi và thách thức cơ bản đối với công tác cải cách hiện đại hoá của ngành Hải quan?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Trước hết, Tổng cục Hải quan luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện thuận lợi của Bộ Tài chính, sự phối hợp có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan. Đặc biệt, mặc dù nguồn lực tài chính còn khó khăn nhưng nhà nước đã có sự đầu tư khá lớn cho cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ quan hải quan các cấp.

Thêm vào đó, phần lớn công chức hải quan đã nhận thức được tầm quan trọng của công cuộc cải cách và hiện đại hóa nên có tinh thần trách nhiệm cao trong khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.

Khó khăn cơ bản là, mặc dù đã được đầu tư khá lớn cho cơ sở vật chất và trang thiết bị, song so với yêu cầu của việc hiện đại hóa vẫn chưa thực sự đáp ứng đầy đủ. Đồng thời, nhận thức cũng như trình độ của một bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa theo kịp công cuộc cải cách và hiện đại hóa của cơ quan hải quan.

Mục tiêu khá tham vọng nhưng khả thi

Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2030 đặt ra mục tiêu về đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, đến năm 2022 phấn đấu hải quan phi giấy tờ và giai đoạn 2025 - 2030 tự động hoá gần như tối đa. Bình luận về mục tiêu này, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, đây là mục tiêu khá tham vọng nhưng khả thi và là tất yếu đặt ra trong bối cảnh cả thế giới đã thực sự bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đã diễn ra ở mọi quốc gia trên thế giới ngày càng mạnh mẽ. Không thực hiện chuyển đổi số sớm thì không thể nói là đã thực sự hiện đại hóa ngành Hải quan.

PV: Để kế hoạch cải cách hiện đại hóa thành công hơn nữa, ngành Hải quan cần phải làm những gì tiếp theo, thưa ông?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Để kế hoạch cải cách hiện đại hóa thành công hơn nữa, theo tôi ngành Hải quan còn có rất nhiều việc phải làm. Trong Chiến lược ngành Hải quan đến năm 2030 đã nêu cụ thể hệ thống và toàn diện các công việc đó. Trong số các việc đó, theo tôi những việc quan trọng nhất ngành cần chú trọng đó là:

Thứ nhất là xác định kế hoạch triển khai cụ thể từng giai đoạn với từng lộ trình phù hợp, các điều kiện cho áp dụng đồng bộ.

Thứ hai là đầu tư thích đáng và lựa chọn đúng công nghệ hiện đại nhất.

Thứ ba là chủ động tham mưu để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về hải quan và hệ thống pháp luật có liên quan để đảm bảo hành lang pháp lý phù hợp cho công cuộc cải cách và hiện đại hóa.

Thứ tư là chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hóa.

Cuối cùng là làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xây dựng chính phủ điện tử và các hoạt động phối hợp khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Linh Thủy (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam