TP. Hà Nội: Tháo gỡ “điểm nghẽn”, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

18:24 | 14/09/2022 Print
(TBTCO) - Công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP. Hà Nội đến nay chưa đạt như mong đợi do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, thành phố đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn năm 2022.

Bổ sung 8.400 tỷ đồng thực hiện dự án đường vành đai 4

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố. Theo đó, sau khi cơ cấu lại nguồn vốn, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 51.582,952 tỷ đồng.

HĐND TP. Hà Nội cũng thống nhất bổ sung 8.400 tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô và xác định kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 cho dự án gồm ngân sách trung ương là 8.400 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 19.477 tỷ đồng.

Hà Nội đã cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022. Ảnh: Quốc Đạt
Hà Nội đã cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022. Ảnh: Quốc Đạt

HĐND thành phố đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư 19 dự án; trong đó có 1 dự án nhóm A để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền; quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án...

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đề nghị UBND TP. Hà Nội, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đảm bảo các nghị quyết của HĐND thành phố đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực. Điển hình như vấn đề đầu tư công của thành phố có khối lượng thực hiện các công trình, dự án rất lớn, với nhiều việc khó, phức tạp.

Do đó, UBND thành phố cần khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, khó khăn; tập trung chỉ đạo; tăng cường cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên kiểm tra, giám sát để đẩy nhanh tiến độ đầu tư; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các dự án, công trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, ngành, địa phương được phân công quản lý.

Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng và giá vật liệu

Theo UBND TP. Hà Nội, tính đến hết ngày 9/9/2022, tỷ lệ giải ngân toàn TP. Hà Nội là 15.334,9 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch, vẫn còn thấp so với yêu cầu, trong đó, cấp thành phố đạt 23,5%, cấp huyện đạt 34,9%.

Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến công tác giải ngân là công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ, nên giao vốn gặp vướng mắc, hoặc không giải ngân được theo kế hoạch. Ví dụ, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án chậm, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến vướng mắc trong quá trình giải ngân, dự án phải điều chỉnh, gia hạn nhiều lần. Còn 95/137 dự án đã được HĐND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chưa phê duyệt dự án. Nhiều dự án chuyển tiếp (113/194 dự án) đến hết năm 2022 sẽ hết thời hạn thực hiện, phải điều chỉnh thời gian thực hiện để đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn 2023.

Bên cạnh đó, vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, công tác tổ chức thực hiện đầu tư các dự án, công trình còn nhiều hạn chế…

Hồ sơ thanh toán phải được lập ngay khi có khối lượng

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, thời gian từ nay đến khi kết thúc niên độ ngân sách năm 2022 không còn nhiều, để bảo đảm đạt được mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung hoàn thành các công trình, bảo đảm về thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng. Hồ sơ thanh toán phải được lập ngay khi có khối lượng, đáp ứng đầy đủ các trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định. Bên cạnh đó, cần cân đối, khẩn trương phân bổ hết số vốn được giao, tránh tình trạng đã giải ngân nhưng không có khối lượng, không có công trình nào hoàn thành. Từ nay đến cuối năm phải hoàn thành được một số công trình, tạo không khí phấn khởi cho nhân dân và tạo động lực mới cho địa phương phát triển, phấn đấu đến ngày 31/12/2022, giải ngân đạt trên 90%.

Việc giải ngân chậm, chuẩn bị đầu tư chưa tốt ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố trong bối cảnh cả nước đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội cam kết giải ngân toàn thành phố đạt 92,2%; ngân sách cấp huyện (gồm ngân sách cấp huyện theo phân cấp và ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu) đạt 93,7%. Vì vậy, các đơn vị cần phải nỗ lực và có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao tỷ lệ giải ngân.

Ông Hà Minh Hải nhấn mạnh, để thúc đẩy tỷ lệ giải ngân năm 2022 và chuẩn bị cho kế hoạch năm 2023, từng chủ đầu tư, từng quận, huyện, thị xã rà soát lại từng dự án để có phương án triển khai trong các tháng cuối năm, từ đó đảm bảo tỷ lệ giải ngân cao nhất, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. UBND các quận, huyện, thị xã tích cực phối hợp với các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhiệm vụ chi cấp thành phố trên địa bàn để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ triển khai của từng dự án.

Đối với hai nút thắt về giải phóng mặt bằng và giá, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cần phải phối hợp với các đơn vị có tham mưu kịp thời, quyết liệt để thúc đẩy giải ngân các tháng cuối năm 2022, để năm 2023 không xảy ra tình trạng giải ngân thấp như năm nay.

Đồng thời, ông Hải cũng khẳng định, thời gian tới UBND TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án chuyển tiếp, dự án mới, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư xây dựng 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích theo tiến độ triển khai và hoàn thành trong giai đoạn; rà soát khả năng cân đối vốn của từng ngành, lĩnh vực để lựa chọn danh mục và sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với các dự án mới, trong đó ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và các dự án lớn, quan trọng khác.

Chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài, phấn đấu giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn năm 2022, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa yêu cầu mỗi cấp, mỗi ngành, từng sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư phải nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND TP. Hà Nội trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn theo kế hoạch. Đồng thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, các chủ đầu tư tăng cường tính chủ động trong phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành để triển khai dự án.

Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn, giải quyết nhanh, kịp thời các đề xuất kiến nghị của từng chủ đầu tư, tại từng dự án. Giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cam kết bằng văn bản với UBND TP. Hà Nội về tỷ lệ giải ngân và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao chỉ tiêu giải ngân hàng tháng tới từng chủ đầu tư, hoàn thành trước ngày 15/9/2022. Các chủ đầu tư không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao, phải giải trình trước tập thể UBND thành phố và là cơ sở để xem xét giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 của đơn vị.

Về công tác chuẩn bị đầu tư, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025. Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền để chủ động, sớm chuẩn bị đầu tư các dự án cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2026 - 2030.

Nguyên Phương

© Thời báo Tài chính Việt Nam