Mỹ: Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay bất chấp rủi ro

11:25 | 02/04/2014 Print
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những lời cảnh báo về việc rủi ro có thể vượt mức cho phép, khi tăng trưởng các khoản vay đang trên đà đạt tới mức cao trước khủng hoảng, các ngân hàng Mỹ vẫn có hàng tỷ lý do để tiếp tục đẩy mạnh việc cho vay.

Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay với lượng tiền gửi đạt kỷ lục

Tăng trưởng các khoản cho vay của các ngân hàng Mỹ đang trên đà đạt tới mức cao trước khủng hoảng của năm 2007. -Ảnh Financeandmoneytips.com

Một trong những lý do chính là lượng tiền ngân hàng huy động được lớn hơn lượng cho vay, ước tính khoảng 2.500 tỷ USD trong tháng trước, thiết lập một mức kỷ lục mới, mặc dù trong quý 1, các khoản vay đã tăng với tốc cao nhất kể từ năm 2007, theo số liệu của Fed.

Tăng trưởng cho vay đã phản ánh niềm tin của các ngân hàng Mỹ đang trên đà phục hồi, trong bối cảnh Fed cắt giảm dần gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, chính lượng dự phòng tiền mặt này đã làm các nhà quản lý lo ngại và đưa ra lời cảnh báo rằng mức độ rủi ro có thể đang tăng cao. Bảy năm trước đây, khi mà ngân hàng đẩy mạnh cho vay, lượng tiền cho vay đã vượt xa lượng tiền gửi.

Theo John Lonski, Kinh tế trưởng của nhóm nghiên cứu thị trường vốn của Moody, khả năng cho vay của các ngân hàng đang rất lớn với niềm tin rằng tinh hình doanh nghiệp sẽ tiếp tục khả quan và người đi vay có thể sẽ đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Lượng tiền gửi ở ngân hàng đã tăng lên mức kỷ lục trong tuần kết thúc vào 12/3, đạt 10.000 tỷ USD, cao hơn lượng tài sản vay hiện ước tính khoảng 7.500 tỷ USD, hoàn toàn trái ngược với tình hình xảy ra vào tháng 10/2008, khi mà các khoản vay vượt quá khoản tiền gửi 205 tỷ USD.

Các khoản cho vay doanh nghiệp đã tăng 68 tỷ USD và hiện nay đạt 1.700 tỷ USD. Tính chung các khoản cho vay thương mại và công nghiệp đã tăng thêm 28,3 tỷ USD trong tháng 2, một mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2008.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi với tăng trưởng trong quý 4 vượt dự báo, theo số liệu mới đây của Bộ Thương mại Mỹ. GDP trong quý 1 tăng 2,6% tính theo năm, cao hơn con số 2,4% được báo cáo trong tháng trước, nhờ vào tốc độ tăng chi tiêu cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Số lượng báo cáo thất nghiệp lần đầu cũng giảm 10.000 người xuống còn 311.000 người.

Fed cũng đã cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng 10 tỷ USD mỗi lần, sau 3 kỳ họp gần đây xuống mức hiện tại 55 tỷ USD và cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm gói kích thích này.

Trong khi đó, tỷ lệ các khoản vay mà người vay không thanh toán đúng hạn đã giảm 0,87 trong tháng 12.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Fed, ngân hàng cũng đã nới rộng điều kiện cho các khoản vay thương mại và công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tăng cao như giảm mức chênh lãi suất cho vay, giảm chi phí cho các hạn mức tín dụng, giảm việc sử dụng trần lãi suất và nới lỏng các thỏa thuận hợp đồng.

Tuy nhiên, chất lượng cho vay suy giảm đã khiến các nhà quản lý e ngại. Năm ngoái, Fed cùng với Cục Kiểm soát tiền tệ Liên bang đã yêu cầu những ngân hàng thuộc top đầu cải thiện tiêu chuẩn thẩm định các khoản vay có rủi ro cao và xếp hạng không nên đầu tư, hoặc các khoản vay đòn bẩy.

Các khoản cho vay đầu cơ và đòn bẩy trong năm ngoái ở Mỹ đã vượt mốc 1.000 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, theo số liệu của Bloomberg.

Mariarosa Verde, một chuyên gia phân tích của Fitch Ratings nói rằng, cạnh tranh trong việc cho vay đang tăng cao và cần phải đặt trong tầm kiểm soát.

Richard Bove, một chuyên gia phân tích về dịch vụ tài chính của Rafferty Capital Markets LLC cho rằng, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, lượng tiền mặt và vốn trong ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã tăng lên, do hàng loạt quy định được áp dụng yêu cầu ngân hàng tăng tính thanh khoản.

Theo Lonski, hiện nay các ngân hàng đang có thanh khoản cao và vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy lượng thanh khoản này sẽ cạn kiệt sớm./.

Mai Linh (Theo Bloomberg)

Mai Linh (Theo Bloomberg)

© Thời báo Tài chính Việt Nam