Hải quan Việt Nam: Chiến lược mới, tiến tới một giai đoạn phát triển cao hơn

06:32 | 03/10/2022 Print
(TBTCO) - Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, phát triển ngang tầm hải quan các nước trên thế giới; hải quan phải là lực lượng tiên phong trong việc thực hiện chính phủ số, thông qua phát triển mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Đó là những định hướng mà Hải quan Việt Nam hướng tới trong thời gian từ nay đến năm 2030.

Đổi mới phương thức quản lý

Đầu năm 2011, Chiến lược phát triển Hải quan 2011-2020 ra đời với mục tiêu cơ bản là từng bước xây dựng lực lượng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu tập trung, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á.

Có thể khẳng định, những mục tiêu này đã được thực hiện thành công hơn mong đợi. Trước tiên chính là việc đón đầu hiệu quả trong cải cách hệ thống thể chế quản lý nhà nước về hải quan. Đặc biệt, với sự ra đời của Luật Hải quan năm 2014, phương thức quản lý hải quan đã có một bước chuyển mình quan trọng; tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại.

Trong hiện đại hóa, việc áp dụng Hệ thống VNACCS/VCIS (thông quan tự động) tạo nên cuộc cách mạng về quá trình thực hiện thủ tục khai báo, thông quan hàng hóa; áp dụng Hệ thống quản lý hải quan tự động tạo ra đột phá về quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu trong tình hình mới. Đây là những bước đi cụ thể trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan theo Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển hải quan đến 2020. Bởi, VNACCS/VCIS giúp thực hiện thông quan tự động nhanh chóng, còn Hệ thống quản lý hải quan tự động giúp việc giám sát, quản lý các lô hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi và theo suốt được lịch sử vận chuyển lô hàng trong quá trình chịu sự giám sát hải quan thông qua phương thức điện tử thay cho cách thức thủ công của công chức hải quan trước đây.

Hải quan Việt Nam: Chiến lược mới, tiến tới một giai đoạn phát triển cao hơn
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Đến nay, thủ tục hải quan ngày càng đơn giản, hài hòa, theo chuẩn mực của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), tạo cơ sở quan trọng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong quản lý nhà nước về hải quan. Thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử được “phủ sóng” ở 100% cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố, các chi cục hải quan trên cả nước, với cơ sở dữ liệu được xử lý tập trung tại Tổng cục Hải quan. Mặt khác, ngành Hải quan đã thực hiện trao đổi thông tin trước khi hàng đến, thanh toán thuế bằng phương thức điện tử với tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử qua ngân hàng đạt gần 100%, số thu ngân sách qua cổng thanh toán điện tử đạt 98% tổng số thu ngân sách.

Kết quả thực hiện thành công Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 đã tiếp nối trong tiến trình cải cách hiện đại hóa hải quan, đã đáp ứng các yêu cầu của quản lý hải quan hiện đại, tạo nền tảng cho Hải quan Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, theo kịp sự phát triển của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại

Ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 628/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Cùng với đó là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan; quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả; tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã phê duyệt “Chủ trương xây dựng mô hình hải quan thông minh là phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật trên thế giới và tại Việt Nam”. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Tài chính ký Quyết định 97/QĐ-BTC phê duyệt chủ trương “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số”. Việc thực hiện thành công mô hình hải quan thông minh sẽ tạo ra bước đột phá và nâng tầm phát triển của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới.

Xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin hải quan hiện đại

Ngành Hải quan đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cốt lõi là hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống e-Manifest (trao đổi thông tin trước khi hàng đến), e-Payments (thanh toán thuế điện tử), e-C/O, e-Permits (thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN), VASSCM (giám sát tự động).

Để thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1854/QĐ-BTC ngày 16/9/2022 phê duyệt chương trình hành động. Trong đó, có 6 điểm quan trọng đã được chỉ ra.

Đầu tiên là phát triển hải quan phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; tuân thủ các quy định của pháp luật; đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chương trình cải cách nền hành chính nhà nước; theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế về phát triển hải quan; thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tiếp đó là phát triển hải quan nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả; thực thi đầy đủ, toàn diện các cam kết quốc tế về thuế xuất nhập khẩu, hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Phát triển hải quan trên cơ sở kế thừa, phát triển các thành tựu cải cách, hiện đại hóa đã đạt được, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Đặc biệt, lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành hải quan làm nền tảng cho phát triển hải quan trong thời kỳ mới; tập trung đầu tư để hiện đại hóa hải quan tại các vùng, địa bàn trọng điểm, có tính đến sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng, địa bàn đảm bảo sự phát triển, hiện đại hóa chung của Hải quan Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 đã xây dựng hệ thống các giải pháp đầy đủ, toàn diện, bao trùm, khả thi với các trụ cột chính là thể chế, nghiệp vụ hải quan, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số; hiện đại hóa cơ sở vật chất hợp tác, hội nhập quốc tế về hải quan; hợp tác giữa cơ quan hải quan với các bên liên quan.

* Ông Nguyễn Nhất Kha - Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan:

Thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, từ thủ công sang tự động hóa

Hải quan Việt Nam: Chiến lược mới, tiến tới một giai đoạn phát triển cao hơn
Ông Nguyễn Nhất Kha

Một trong những thành quả quan trọng trong sự phát triển của ngành Hải quan, đó là công tác phân luồng quyết định kiểm tra trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng hoàn thiện. Bằng việc áp dụng quản lý rủi ro kết hợp với chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", ngành Hải quan đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, từ thủ công sang tự động hóa dựa trên đánh giá rủi ro.

Qua đó, làm giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, góp phần đơn giản hoá thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan, tiết kiệm nguồn lực cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp, giảm chi phí của doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Cùng với đó, quá trình phân luồng được thực hiện hoàn toàn tự động, giảm sự can thiệp của công chức hải quan trong hoạt động quản lý hải quan và giảm thiểu sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với cơ quan hải quan.

* TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):

Bước đi đúng đắn, sớm đưa hải quan số, hải quan thông minh thành hiện thực

TS. Nguyễn Minh Thảo
TS. Nguyễn Minh Thảo

Khi đặt ra những mục tiêu trong chiến lược, ngành Hải quan đưa ra những chỉ tiêu cụ thể, để xây dựng môi trường hải quan số, hải quan thông minh. Do đó, đòi hỏi ngành Hải quan phải xây dựng hệ thống thể chế, cơ sở pháp lý cho việc vận hành nền tảng điện tử. Nếu như tất cả các giao dịch của doanh nghiệp được thực hiện trên nền tảng điện tử thì những yêu cầu về thuế, chữ ký số, xác thực văn bản giữa các bộ, ngành cần phải được pháp lý hóa…

Hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống pháp lý để vận hành môi trường điện tử. Vì vậy, việc ngành Hải quan đặt ra mục tiêu hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo nền tảng cho việc vận hành hải quan điện tử, cũng như các thủ tục điện tử, được xem là những bước đi đúng đắn, sớm đưa hải quan số, hải quan thông minh thành hiện thực. Bởi, nếu triển khai điện tử mà không đảm bảo được quyền cho doanh nghiệp, đảm bảo tính an toàn cho người thực hiện thì rất khó hiện thực hóa mục tiêu này.

* Ông Nguyễn Đức Sơn – Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam:

Đẩy nhanh tốc độ thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp

Hải quan Việt Nam: Chiến lược mới, tiến tới một giai đoạn phát triển cao hơn
Ông Nguyễn Đức Sơn

Mỗi tháng công ty mở hơn 400 tờ khai, nộp khoảng 20 tỷ đồng tiền thuế bằng phương thức điện tử 24/7 mà không cần đến ngân hàng cũng như cơ quan hải quan. Các thủ tục liên quan đến thuế đều được công khai trên hệ thống và doanh nghiệp có thể biết ngay phản hồi của cơ quan hải quan để điều chỉnh cho phù hợp với quy định. Điều đó đã đẩy nhanh được tốc độ thông quan, chuyển hàng về doanh nghiệp nhanh chóng, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng đơn hàng cho khách hàng.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam