Nhận diện thị trường chứng khoán tháng 10

07:33 | 06/10/2022 Print
(TBTCO) - Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường chứng khoán hiện đã về mức hấp dẫn trong nhiều năm, dư địa giảm của thị trường trong tháng 10 không còn nhiều, trừ khi xuất hiện những “cú sốc” lớn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Chịu tác động bởi ngoại cảnh

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đánh giá, tình hình vĩ mô thế giới đối mặt nhiều rủi ro lớn và các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu vẫn đang có nguy cơ suy thoái khi các sự kiện kinh tế chính trị vẫn tiếp tục diễn ra theo hướng xấu. Cùng với đó, lạm phát cao sẽ thắt chặt chi tiêu người dân.

Nhìn về vĩ mô Việt Nam, nhóm phân tích VFS cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ duy trì được sự ổn định, phục hồi tốt sau dịch, nhưng sẽ giảm tốc so với những tháng trước, lạm phát có thể tiếp diễn tăng vào các tháng cuối năm, nhưng sẽ được kiểm soát dưới 4%... là những điểm tích cực bất chấp những khó khăn của kinh tế thế giới. Mặc dù vậy, ngoại cảnh vẫn sẽ là những yếu tố quan trọng chi phối đến những biến động của VN-Index trong thời gian tới. So với các nước trong khu vực, hầu hết các thị trường đều ghi nhận chỉ số chứng khoán tăng trưởng âm so với đầu năm, ngoại trừ Indonesia và Singapore.

Thống kế trong 3 năm gần đây nhất VN-Index đều tăng điểm trong tháng 10.
Thống kế trong 3 năm gần đây nhất VN-Index đều tăng điểm trong tháng 10.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, diễn biến của thị trường chứng khoán trong tháng 10 hàng năm thường phản ánh thông tin công bố kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp, giúp dự báo khả năng thực hiện kế hoạch cả năm. Nền kinh tế vĩ mô ổn định và phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch của Việt Nam được giới phân tích đánh giá sẽ giúp kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trở nên rất khả quan. Cộng thêm mức nền so sánh thấp trong cùng kỳ năm 2021, khả năng cao nhiều mức tăng trưởng ấn tượng sẽ được ghi nhận trong mùa báo cáo tới đây.

Dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng ở mức 17,5% nhờ các lĩnh vực chính như ngân hàng, khu công nghiệp, cũng như sự phục hồi của tiêu dùng nội địa sau đại dịch.

Rủi ro vẫn hiện hữu

Nhận định về nguyên nhân thị trường giảm mạnh thời gian qua, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta, cho rằng, đà giảm là “giọt nước tràn ly” khi tâm lý tiêu cực đã dồn nén từ những phiên trước đó.

Theo đó, tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Mỹ. Cụ thể, chứng khoán Mỹ cũng đồng loạt giảm mạnh khi nhà đầu tư lo ngại lãi suất tăng cao và biến động thất thường trên thị trường ngoại hối sẽ gây ra suy thoái toàn cầu. Đặc biệt, chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm mạnh, xuyên thủng mốc 29.000. Một số yếu tố bên ngoài phần nào ảnh hưởng tới thị trường thời gian qua.

Còn trong nước, mặc dù thông tin vĩ mô tăng trưởng tốt, lạm phát được kiểm soát, con số GDP so với cùng kỳ năm tăng trưởng cao, tuy nhiên so với 2 quý trước đó đang tăng trưởng chậm lại cũng khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan hơn. Ngoài ra, khối ngoại cũng tác động tiêu cực tới thị trường khi họ tiếp tục bán ròng, nối dài chuỗi bán ròng tuần thứ 6 liên tiếp. Trong điều kiện tâm lý yếu, dòng tiền bị bó hẹp càng khiến thị trường thêm xấu.

Thị trường chứng khoán thường tăng điểm trong tháng 10

Thông tin tích cực có thể trấn an phần nào tâm lý của nhà đầu tư hiện tại chính là dữ liệu quá khứ về VN-Index trong tháng 10 của những năm trước. Cụ thể, theo thống kê trong 22 năm hoạt động của chứng khoán Việt Nam, VN-Index có 12 lần tăng điểm vào tháng 10, số lần giảm là 10. Trong 10 năm gần nhất, xác suất để chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trong tháng 10 lên đến 70%. Đặc biệt, 3 năm gần đây nhất VN-Index đều tăng điểm trong tháng 10, mức tăng mạnh nhất là năm 2021 với 7,6%.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tiếp tục phản ứng mạnh với động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Áp lực bán mạnh mẽ diễn ra tại hai nhóm ngành trụ cột là ngân hàng và bất động sản khiến VN-Index càng giảm mạnh. Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng từng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh và trở thành trụ cột nâng đỡ thị trường. Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất, cộng thêm mức nới room tín dụng không được như kỳ vọng đã tạo hiệu ứng “dội ngược”, kích hoạt nên đà giảm của nhóm này. Riêng nhóm cổ phiếu bất động sản cũng nhiều thông tin tiêu cực và kết quả kinh doanh dự báo tiếp tục tăng trưởng âm.

Dự báo về thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, trong kịch bản lạc quan, thị trường có khả năng hồi phục trong tháng 10 và tháng 11 với mức tăng trưởng khoảng 10% và chỉ số VN-Index có thể quay trở lại quanh mức 1.200 điểm trong thời gian tới. Lý giải về nhận định trên, chuyên gia Yuanta cho rằng câu chuyện về lạm phát đã hạ nhiệt. Ông Minh khuyến nghị: Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên tránh bán tháo trong những phiên giảm sâu, bởi sau đó thị trường thường sẽ có nhịp hồi. Bên cạnh đó, rủi ro vẫn hiện hữu, nên nhà đầu tư cần giảm tỷ trọng cổ phiếu, chỉ duy trì ở mức 30%. Theo đó, chỉ khi thị trường xác nhận xu hướng tăng rõ ràng hơn khi lấy lại mốc 1.200 điểm nhà đầu tư mới nên thực hiện giải ngân. Đặc biệt, cần lưu ý chiến lược phòng thủ vẫn cần đặt lên hàng đầu, một số nhóm cổ phiếu điện, nước, công nghệ có thể quan sát trong thời gian tới.

Mai Tấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam