Năm 2014: Kinh tế Mỹ được dự báo tăng trung bình ở mức 2,9%

15:49 | 22/01/2014 Print
Theo số liệu thống kê của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), lượng vốn vay của các doanh nghiệp nước này tính đến cuối năm 2013 đã cán mốc 1.610 tỷ USD, vượt cả mức kỷ lục hồi cuối năm 2008.

kinh te my

Các ông chủ nhà băng ở Mỹ thể hiện sự lạc quan về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ảnh: TL

Nhu cầu vay vốn ngân hàng gia tăng thường là điềm lành báo trước sự tăng trưởng và đi lên của nền kinh tế. Trong bối cảnh vấn đề khủng hoảng ngân sách của Mỹ nay đã được thu xếp ổn thỏa và kinh tế châu Âu có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp cảm thấy thoải mái hơn khi vay mượn tiền để đầu tư vào nhà xưởng, máy móc.

Giám đốc điều hành JPMorgan Chase & Co, Jamie Dimon - người thường tự coi mình là người "lạc quan một cách thận trọng" về nền kinh tế - mới đây đã tự bỏ đi từ "thận trọng" và khẳng định ông thật sự lạc quan.

Tuy nhiên, dường như nền kinh tế chưa thực sự chắc chân. Tăng trưởng việc làm tại Mỹ đã chững lại rất mạnh trong tháng 12/2013, khi hoạt động thuê nhân công thấp nhất trong gần ba năm qua, một phần do bão tuyết. Doanh số bán hàng trong mùa Giáng sinh và Năm Mới vừa qua chỉ tăng 0,2% trong tháng 12/2013. Điều đáng chú ý là GDP của Mỹ tăng trưởng với nhịp độ tương đối nhanh trong quý III/2013, đạt 4,1%.

Hoạt động kinh doanh của General Electric - thường được coi là phong vũ biểu về sức khỏe của ngành công nghiệp Mỹ - cho biết, hoạt động của họ khá khởi sắc, với lượng đơn đặt hàng động cơ máy bay, bơm dùng trong khai thác dầu khí và các sản phẩm công nghiệp khác tăng mạnh.

Giám đốc phụ trách mảng tài chính tại GE, Jeff Bornstein cho rằng xu hướng "bội thu" đơn hàng tại GE phản ánh sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới.

FED cho hay, tháng 12/2013 là tháng thứ năm liên tiếp sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng. Các chuyên gia phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trung bình ở mức 2,9% năm 2014, mạnh hơn mức tăng của những năm gần đây.

Theo thống kê của FED, hoạt động vay tiêu dùng của Mỹ, gồm vay thế chấp và thẻ tín dụng, cũng tăng ổn định kể từ đầu năm 2011 đến nay. Tín dụng mặc dù được đánh giá là yếu tố sống còn đối với nền kinh tế, nhưng khối lượng cho vay kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính đến nay ở mức tương đối yếu.

Một số chuyên gia kinh tế chê trách các ngân hàng nắm giữ hầu bao quá chặt, trong khi những ý kiến khác lại cho rằng, các doanh nghiệp và người tiêu dùng quá rón rén trong việc chi tiêu. Nhưng dù sao đi nữa, nhu cầu tín dụng đã bắt đầu quay trở lại.

Mike Corbat, Giám đốc điều hành Citigroup Inc nhận định: Triển vọng của các nền kinh tế trên khắp thế giới hiện tốt hơn năm ngoái.

Paul Kasriel, nguyên là chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Northern Trust Co., nhấn mạnh hoạt động cho vay khởi sắc không phải bao giờ cũng là dấu hiệu tích cực đối với một nền kinh tế. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, các tiêu chuẩn cho vay đã chặt hơn và các khoản cho vay hiện cũng có "chất lượng" hơn./.

Hương Giang (Theo Reuters, AP)

Hương Giang (Theo Reuters, AP)

© Thời báo Tài chính Việt Nam