Chính sách của Fed làm cho giới nhà giàu Mỹ càng giàu thêm

09:17 | 21/12/2013 Print
Sự hào phóng của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed) trong 5 năm qua đã trở thành một đặc ân vô cùng lớn đối với giới nhà giàu ở Mỹ, làm tăng tài sản của họ và số người trở thành triệu phú hoặc tỷ phú đã đạt mức kỷ lục.

Với chính sách nới lỏng của Mỹ, người giàu càng trở nên giàu có hơn. - Ảnh Thefiscaltimes

Giới nhà giàu cũng vung tiền mua sắm những món đồ đắt đỏ từ những chiếc siêu xe Ferrari đến những bức tranh quý giá Francis Bacon.

Rõ ràng là hầu hết của cải sinh ra nhờ vào chính sách nới lỏng định lượng của Chính Phủ Mỹ đã chảy vào hầu bao của 1% những người giàu nhất đất nước này. Hôm thứ 4, Fed đã quyết định cắt giảm việc mua trái phiếu 10 tỷ USD hàng tháng xuống còn 75 tỷ USD và có khả năng sẽ chấm dứt gói kích thích này trong năm tới.

Số lượng người trở thành triệu phú trong vòng 5 năm qua nhiều hơn rất nhiều so với thời kỳ 8 năm dưới thời Tổng Thống Bush. Theo tập đoàn Spectrem, có 2,3 người mới trở thành tỷ phú trong giai đoạn 2008-12. Trong năm nay, số lượng triệu phú tăng thêm ít nhất 200.000 người, giúp cho số lượng triệu phú của đất nước này đạt mức kỷ lục mới, vượt qua mức kỷ lục của năm 2007.

Trong giai đoạn 2000-08 của Tổng Thống Bush, số lượng triệu phú tăng từ 6,3 triệu người lên 9,2 triệu người năm 2007. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, số lượng triệu phú giảm xuống chỉ còn 3,7 triệu người năm 2008.

Lý do về sự chênh lệch số người trở nên giàu có trong 2 giai đoạn này chính là do chính sách của Fed đã giúp làm tăng giá trị tài sản tài chính. Khoảng 5% số người giàu nhất nước Mỹ sở hữu 60% tài sản tài chính và 10% số người giàu nhất sở hữu tới 80% thị trường chứng khoán. Chính vì thế, sự gia tăng giá trị của tài sản tài chính nhờ chính sách của Fed phần lớn đã chảy vào túi của một nhóm nhỏ người giàu có.

Tỷ phú Stanley Druckenmiller, nhà sáng lập ra Duquesne Capital thậm chí đã gọi chính sách của Fed là “sự phân phối lại của cái lớn nhất từ tầng lớp bình dân và nghèo khổ đến giới nhà giàu.”

Không chỉ phân phối của cải không bình đẳng, khoảng cách về thu nhập cũng ngày càng nới rộng kể từ năm 2008.

Theo giáo sư kinh tế Berkeley, Emmanuel Saez, 95% tăng trưởng của cải ở Mỹ trong giai đoạn 2009-12 đã chảy vào túi của 1% số người giàu nhất.

Người giàu cũng vung tiền vào các sản phẩm đắt đỏ ở mức độ hào phóng chưa từng có trước đây. Hai chiếc xe đắt nhất được bán trong năm nay với giá 29,7 triệu USD cho chiếc xe Mercedes và 27,5 triệu USD cho chiếc Ferrari. Các tác phẩm nghệ thuật cũng được mua với giá cao ngất ngưởng tại các kỳ đấu giá.

Mai Linh (Theo CNBC)

Mai Linh (Theo CNBC)

© Thời báo Tài chính Việt Nam