Hy Lạp đã được chấp thuận giải ngân 1 tỷ euro

13:27 | 18/12/2013 Print
Một nửa gói trợ giúp tài chính sẽ được giải ngân vào tuần này thông qua Quỹ trợ giúp khu vực đồng tiền chung euro (FESF). Số tiền này sẽ dùng để chi trả nhu cầu tài chính của đất nước. Ngoài ra, FESF cũng nhắc lại cam kết cung cấp thêm cho Hy Lạp 10,2 tỷ euro nữa.

hy lap

Chính phủ Hy Lạp ước đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm tới. Ảnh: TL

Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiên chung euro (Eurozone) ngày 17/12 đã đồng ý giải ngân 1 tỷ USD dành cho Hy Lạp, sau khi nước này đạt được những tích cực trong cam kết cải cách kinh tế.

Chủ tịch Eurogroup, ông Jeroen Dijsselbloem bày tỏ hài lòng khi Hy Lạp đã đáp ứng đuợc bốn yêu cầu mà bộ ba chủ nợ quốc tế đòi hỏi. Cũng theo ông Dijsselbloem, Hy Lạp đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng, đặc biệt là cải cách hệ thống hành chính công, cơ cấu lại và giải thể ba công ty nhà nước để chuyển sang cổ phần hóa, đổi mới quy chế luật sư cũng như cải thiện tình hình tài chính của hai công ty cung cấp nước.

Trong số cải cách của Hy Lạp, 12.500 lao động trong khu vực nhà nước sẽ bị chuyển sang diện lao động dự bị, song vẫn được hưởng 75% lương. Nếu 8 tháng sau những đối tượng này không thể kiếm được việc làm khác trong khu vực nhà nước thì sẽ bị sa thải.

Một nửa gói trợ giúp tài chính sẽ được giải ngân vào tuần này thông qua Quỹ trợ giúp khu vực đồng tiền chung euro (FESF). Số tiền này sẽ dùng để chi trả nhu cầu tài chính của đất nước. Ngoài ra, FESF cũng nhắc lại cam kết cung cấp thêm cho Hy Lạp 10,2 tỷ euro nữa.

Số tiền còn lại, tương ứng với phần lãi của các ngân hàng trung ương Eurozone liên quan đến trái phiếu của Hy Lạp, cũng sẽ được chuyển trong tuần này thông qua Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM). Chủ tịch Eurogroup hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Hy Lạp và bộ ba chủ nợ sẽ nhanh chóng thảo luận nhằm kết thúc việc đánh giá chương trình cải tổ nền kinh tế đất nước.

Trước đó, Hy Lạp từng lo ngại sẽ không được giải ngân khoản hỗ trợ trên sau khi cuộc đàm phán mới giữa Athens với các nhà cho vay quốc tế kết thúc mà không đạt thỏa thuận liên quan.

Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã phải vật lộn với cam kết thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" của "bộ tam" chủ nợ quốc tế là Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để đổi lấy hai gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro.

Ngân hàng trung ương Hy Lạp cho biết, nước này sẽ thoát khỏi khủng hoảng trong năm 2014 nhờ sự gia tăng của xuất khẩu, doanh thu du lịch và chi tiêu dùng ổn định bất chấp căng thẳng về chính trị vẫn tồn tại ở nước này.

Chính phủ Hy Lạp ước đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm tới.

Đ.T (theo TTXVN)

Đ.T (theo TTXVN)

© Thời báo Tài chính Việt Nam