Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp hướng đến kho bạc số

16:50 | 11/11/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. Để triển khai chiến lược này, Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. Đây là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, là “kim chỉ nam” để đưa Kho bạc Nhà nước tiến nhanh tới kho bạc số.

Xây dựng lộ trình cụ thể

Chương trình hành động của Bộ Tài chính đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, đề án thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) tới năm 2030, cụ thể là: Cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành kho bạc số; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc; hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ; các nhiệm vụ khác.

Công chức kho bạc nhà nước thực hiện rà soát số liệu thanh toán vốn ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hanh Thảo
Công chức kho bạc nhà nước thực hiện rà soát số liệu thanh toán vốn ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hạnh Thảo

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ, đề án, chương trình hành động của Bộ Tài chính đã đưa ra yêu cầu phải cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KBNN, bảo đảm khả thi, có kết quả rõ ràng và thống nhất với các chương trình hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các chiến lược ngành có liên quan; quy định rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện; quy định rõ chế độ báo cáo, tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KBNN.

Đồng thời, chương trình hành động cũng phân công chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính bám sát mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược phát triển KBNN, chủ động xây dựng lộ trình và phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các nhiệm vụ được giao. Các đơn vị chủ trì có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ được giao theo đúng chương trình hành động đã được đề ra; định kỳ hàng năm có báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh về đích

Theo đánh giá từ phía KBNN, chương trình hành động của Bộ Tài chính là nền tảng vững chắc, là “kim chỉ nam” để các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Tài chính nói chung và KBNN nói riêng thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, theo hướng đổi mới, hiện đại, tiệm cận với trình độ phát triển tiên tiến của khu vực và thế giới.

Ông Trần Quân - Tổng giám đốc KBNN cho biết, trong giai đoạn vừa qua, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hệ thống KBNN đã đẩy mạnh công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tính từ năm 2015 đến nay, toàn hệ thống KBNN đã cắt giảm được 251 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh; 64 KBNN cấp huyện và gần 2.000 cấp tổ thuộc KBNN cấp huyện; hơn 620 vị trí lãnh đạo cấp phòng và hơn 2.600 lãnh đạo cấp tổ (đội).

Trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã đặt ra yêu cầu trước năm 2025, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để đến năm 2030, cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 2 cấp và giảm được ít nhất 15% biên chế so với năm 2020.

Chương trình hành động của Bộ Tài chính cũng đưa ra các nhiệm vụ để KBNN thực hiện các yêu cầu đã đề ra về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh đến việc KBNN phải tiếp tục rà soát để sắp xếp, thu gọn đầu mối KBNN cấp huyện; xây dựng và từng bước triển khai đề án mô hình kho bạc 2 cấp.

Hướng tới việc xây dựng kho bạc nhà nước tinh gọn, hiệu quả

Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 được ban hành nhằm xác định và phân công cụ thể các nhiệm vụ chủ yếu cho các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Tài chính tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới việc xây dựng Kho bạc Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành Tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Tổng giám đốc KBNN cho biết, KBNN sẽ tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy với mục tiêu hình thành mô hình kho bạc 2 cấp vào năm 2030, trong đó, KBNN trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức điều hành và các đơn vị kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện.

Cũng theo Tổng giám đốc KBNN, kho bạc số là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và để hoàn thành mục tiêu này, KBNN sẽ triển khai tổng thể, đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, KBNN nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ của KBNN, để từ đó cải cách hoạt động nghiệp vụ và tạo nền tảng để hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN. Đồng thời, KBNN sẽ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN, trong đó, trọng tâm là xây dựng và vận hành Hệ thống Thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); thực hiện liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan.

Đặc biệt, KBNN tiếp tục thực hiện tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức KBNN có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính chuyên nghiệp cao, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam