Bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện "gặp khó" cả về vốn đầu tư và trang thiết bị

10:02 | 15/11/2022 Print
(TBTCO) - Việc thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện thời gian qua bước đầu đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế. Vì vậy, 2 bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K xin dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, chuyển sang thực hiện tự chủ một phần theo nhóm 2 của Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

Đây là một trong số các ý kiến nhận định, đánh giá của các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn", do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức cuối giờ chiều ngày 14/11, tại Hà Nội.

Thiếu thiết bị máy móc phục vụ khám chữa bệnh

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tự chủ toàn diện thời gian qua tại Bệnh viện Bạch Mai hết sức khó khăn do vướng vào dịch bệnh, nhiều máy móc dừng hoạt động, đắp chiếu do vướng pháp lý. Tuy nhiên khó nhất là giá viện phí, dịch vụ chưa tính đúng tính đủ.

Bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện
Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: VGP.

Bệnh viện Bạch Mai có thể nói dù không phải bệnh viện chuyên khoa ung thư, nhưng từ năm 2019 trở về trước là một trong số những bệnh viện sớm có thiết bị đồng bộ cho chẩn đoán ung thư.

Máy xạ trị hoạt động hết công suất 23-24h/ngày

GS.TS Lê Văn Quảng cho biết, Bệnh viện K đang gặp khó khăn về tài chính, bệnh viện đang xây dựng cơ sở 1, ở giai đoạn xây thô, cần 1.020 tỷ đồng để hoàn thiện, nếu tự chủ toàn diện, bệnh viện không lo được nguồn vốn này. Đồng thời, trước đây bệnh viện có 9 máy xạ trị, nay chỉ còn 5 máy hoạt động. Có máy đã hết khấu hao, nên các máy còn lại hiện hoạt động hết công suất 23-24h/ngày, bệnh nhân thức cả đêm xạ trị. Hiện bệnh viện cần khoảng 10 máy nữa, giá một máy 130 tỷ đồng, nên để đầu tư thì rất nhiều tiền.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, toàn bộ thiết bị này là “số 0 tròn trĩnh”, tức là toàn bộ thiết bị như cộng hưởng từ, máy xạ trị gia tốc, máy phẫu xạ hiện tại có những cái đã hết hợp đồng, có những cái vướng vào thủ tục pháp lý. Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai đang rất vướng. Cả hệ thống thiết bị y tế phục vụ phẫu thuật như robot Rosa, kính hiển vi phẫu thuật, hệ thống phẫu thuật nội soi hoặc không hoạt động hoặc hết hợp đồng liên doanh liên kết, phải đắp chiếu.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Bệnh viện Bạch Mai hết sức khó khăn trong ngân sách để mua. Những mục như chi thường xuyên, chi lương thưởng cho cán bộ, nhân viên không đủ.

Do thiếu thốn trang thiết bị, bệnh viện phải bố trí lại ca kíp làm việc do số bệnh nhân ngoại trú tăng lên đột biến 6.000 đến 8.000 người đến khám, có ngày 10.000 người đến khám. Cán bộ y tế ở nơi xa phải ra khỏi nhà lúc 3-4h sáng, 5h sáng phải đến bệnh viện. Các máy chiếu chụp tập trung ngoại trú ca sáng, nội trú ca chiều, để đảm bảo không từ chối bệnh nhân nào, đấy là giải pháp bệnh viện ứng phó trước tình trạng thiếu thiết bị.

"Khó nhất bây giờ là nguồn tài chính chênh lệch thu chi để duy trì hoạt động của Bệnh viện Bạch Mai rất thấp, do bệnh viện mặc dù thí điểm tự chủ toàn diện nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế thu hầu hết đúng bằng giá bảo hiểm y tế. Mặc dù được tự chủ toàn diện nhưng bệnh viện chưa bao giờ được tự chủ về giá" - PGS.TS Đào Xuân Cơ cho hay.

Còn theo GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K, việc thí điểm tự chủ toàn diện có điểm mạnh là cơ hội giải phóng khỏi cơ chế hoạt động cũ, có điều kiện thu hút nhân sự và chủ động đầu tư phát triển y tế.

Tuy nhiên, tự chủ bệnh viện cũng đã đặt ra nhiều thách thức lớn, trong đó, đáng chú ý nhất là thách thức về nguồn vốn để đầu tư mới trang thiết bị và thách thức về việc giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ chi phí y tế.

Thực tế dù thực hiện tự chủ hay không thì bệnh nhân đến Bệnh viện K vẫn đông, hiện nay số bệnh nhân tăng 30 - 40% so với trước dịch Covid-19, nhưng nguồn thu của bệnh viện giảm 1/3, thiếu máy móc để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Các bệnh viện công nên thực hiện tự chủ theo nhóm 2 Nghị định 60

"Chúng tôi mong nhà nước đầu tư 3-5 năm nữa, sau đó bệnh viện chuyển sang tự chủ toàn diện sẽ không vấn đề gì. Còn chuyển sang tự chủ chi thường theo nhóm 2 Nghị định 60/2021/NĐ-CP thì phù hợp với bệnh viện trong giai đoạn này"- Giám đốc Bệnh viện K đề nghị.

Tại toạ đàm, GS.TS Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương cho rằng, các bệnh viện công lập hiện vẫn nên tự chủ ở mức 2, mức 3 thay vì tự chủ toàn diện vì những lý do sau: Thứ nhất, một loạt các văn bản pháp quy để phục vụ tự chủ toàn diện vẫn chưa có. Thứ hai, tự chủ quá mức vô tình tư nhân hóa các bệnh viện công.

"Điều này đi sai định hướng xã hội chủ nghĩa, khi chúng ta luôn coi bảo vệ sức khỏe người dân là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước" - GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện
Do thiếu trang thiết bị, máy móc, Bệnh viện Bạch Mai phải bố trí lại ca kíp làm việc để đảm bảo không từ chối bệnh nhân nào. Ảnh: Văn Nam.

Cùng quan điểm, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cơ chế tự chủ toàn diện với các bệnh viện công đang gặp phải 3 vấn đề: thể chế chưa đáp ứng yêu cầu, tổ chức thực hiện có vấn đề, cơ chế giá chưa đảm bảo.

Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, việc tự chủ theo cách toàn diện với ngành Y tế là đồng thời đem lại khó khăn cho người dân, vì người dân phải trả nhiều tiền hơn để khám chữa bệnh ở các bệnh viện công ở tuyến cuối.

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, cần cơ chế đầu tư cho các bệnh viện tuyến đầu, tuyến cơ sở cấp huyện, xã về cả nhân lực lẫn kỹ thuật. Trong khi đó, các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K cần được đầu tư công nghệ hiện đại.

"Tôi nhìn nhận việc công bằng trong chăm sóc cho người dân là rất quan trọng ở bệnh viện công lập. Vì vậy nếu cho bệnh viện tự chủ về giá thì cần cân nhắc, vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Các bệnh viện cần tự chủ chứ không tự chịu"- TS. Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam