Thị trường tiền tệ tuần qua (14-18/11): Lãi suất huy động nóng, nhưng lãi suất thị trường mở giảm, tỷ giá hạ nhiệt

17:20 | 18/11/2022 Print
(TBTCO) - Trong tuần qua, tỷ giá đã có xu hướng giảm nhiệt với nhiều tín hiệu giảm giá nhẹ của đồng USD so với đồng nội tệ. Trong khi đó, lãi suất có những diễn biến trái chiều với xu hướng lãi suất huy động tiếp tục tăng tại một số ngân hàng, nhưng điều đáng chú ý là lãi suất bán tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua thị trường mở lại giảm.

Tỷ giá hạ nhiệt và giảm nhẹ

Tuần vừa qua chứng kiến một giai đoạn hạ nhiệt của tỷ giá. Đây là tuần thứ hai liên tiếp Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có động thái giảm tỷ giá tham khảo bán ra. Cụ thể, tỷ giá tham khảo đã giảm 10 đồng mỗi USD từ 24.860 đồng/USD xuống 24.850 đồng/USD.

Tỷ giá USD trung tâm trong tuần đã có nhiều phiên điều chỉnh giảm, cùng với một số phiên được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên. Tại phiên cuối tuần, tỷ giá USD trung tâm là 23.675 đồng/USD, giảm 8 đồng mỗi USD so với trước đó 1 tuần.

Thông tin tích cực về tình hình nhập siêu tăng vẫn là yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá. Trong khi đó, diễn biến ổn định của tỷ giá kể từ đầu tháng 11 đến nay giúp giải tỏa tâm lý găm giữ USD trong doanh nghiệp và nhà đầu tư. Theo đó, nhu cầu mua ngoại tệ đã có phần sụt giảm hơn so với trước khiến tỷ giá có chiều hướng đi xuống trong giai đoạn giữa tháng 11.

Thị trường tiền tệ tuần qua (14-18/11): Lãi suất huy động nóng, nhưng lãi suất thị trường mở giảm, tỷ giá hạ nhiệt
Một số ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi. Ảnh: T.L

Lãi suất huy động vẫn tăng nhiệt

Trái ngược với diễn biến hạ nhiệt của tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục tăng nhiệt trong tuần vừa qua với động thái tiếp tục tăng lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lại tiếp tục cập nhật biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân, với nhiều mức lãi suất tiếp tục tăng so với trước. Ngân hàng Standard Chartered thậm chí giới thiệu với khách hàng mức lãi suất kỷ lục lên tới 14%/năm, tuy nhiên, khách hàng phải tham gia mua bảo hiểm mới được hưởng mức lãi suất này.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng mới cập nhật bảng lãi suất mới cao hơn trước ở một số kỳ hạn; còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thậm chí đưa lãi suất cao nhất lên tới 9,75% với tiền gửi onlines kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên mức khá cao, chạm mốc 6%/năm.

Lãi suất thị trường mở giảm

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện các nghiệp vụ mua và bán tín phiếu trên thị trường mở. Lãi suất trúng thầu tín phiếu mua vào thường khá ổn định ở mức 6%/năm, trong khi lãi suất tín phiếu bán ra có xu hướng giảm.

Thị trường tiền tệ tuần qua (14-18/11): Lãi suất huy động nóng, nhưng lãi suất thị trường mở giảm, tỷ giá hạ nhiệt
Open Market Operations (OMO) - Thị trường mở là một trong những công cụ của Ngân hàng Nhà nước để điều tiết thị trường tiền tệ. Ảnh: T.L

Phó Thống đốc làm Tổ phó Tổ công tác tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản

Tuần vừa qua, một trong những thông tin đáng chú ý là việc Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản. Tổ công tác có 8 thành viên, trong đó ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được giao làm tổ phó tổ công tác.

Việc Ngân hàng Nhà nước đã có một số phiên thực hiện đấu thầu bán ra tín phiếu và động thái này có tác động hút bớt tiền về, ngược lại các hoạt động mua tín phiếu có tác dụng bơm thêm tiền ra lưu thông.

Ở chiều bán ra, trong phiên đấu thầu 15/11, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu bán hẳn tín phiếu kỳ hạn 28 tháng, hút về gần 20 nghìn tỷ đồng; phiên 16/11 bán hẳn gần 10 nghìn tỷ đồng tín phiếu 28 tháng, hút về gần 10 nghìn tỷ đồng; phiên 17/11 bán 5.000 tỷ đồng tín phiếu, hút về 5 nghìn tỷ đồng.

Lãi suất bán tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước có xu hướng giảm, với kết quả trúng thầu là 6% tín phiếu bán ra trong phiên đấu thầu 15/11, giảm xuống còn 5,8% trong phiên đấu thầu ngày 16/11 và tiếp tục giảm xuống chỉ còn 5,49% vào phiên 17/11. Đáng chú ý trong phiên đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 tháng diễn ra hôm 17/11, chỉ có 2 thành viên trúng thầu (trong số 6 thành viên tham gia dự thầu).

Cùng với việc bán tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước cũng vẫn thực hiện các đợt mua kỳ hạn tín phiếu trong phần lớn các phiên đấu thầu tín phiếu tuần qua và động thái này cũng có tác dụng điều tiết đưa thêm tiền vào lưu thông.

Giá vàng tăng trong trạng thái ngập ngừng

Giá vàng trong tuần qua tuy được hậu thuẫn bởi những thông tin tích cực hơn từ tình hình lạm phát trên thế giới đã bớt căng thẳng, nhưng các nhà đầu tư vẫn còn ngập ngừng nghe ngóng những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Trong phiên mở đầu tuần, ngày 14/11, giá vàng trong nước trụ vững tương tự mặt bằng giá cuối tuần trước, ghi nhận giá vàng Phú Quý SJC đang mua vào mức 66,6 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,6 triệu đồng/lượng.

Ngày 15/11, giá vàng giảm nhẹ, nhưng sau đó lại quay đầu tăng trong ngày tiếp theo và chỉ biến động nhẹ trong các ngày còn lại trong tuần. Cuối tuần, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 66,7 triệu đồng/lượng mua vào và 67,72 triệu đồng/lượng bán ra. Theo đó, giá vàng hôm cuối tuần đã cao hơn khoảng 100 nghìn đồng/lượng.

Thị trường vàng vẫn dõi theo những biến động trên thị trường tài chính quốc tế. Mặc dù lạm phát hạ nhiệt là thông tin tích cực trong tuần trước, nhưng quan điểm của FED vẫn chưa cho thấy sẽ dừng lại chuỗi các chính sách cứng rắn về lãi suất. Một số chuyên gia quốc tế kỳ vọng rằng lãi suất của FED sẽ đạt 5,5% vào giữa năm 2023 và sẽ không có đợt nới lỏng nào cho cuối năm 2023. Điều này khiến các nhà đầu tư nhìn chung sẽ vẫn ít quan tâm đến vàng, ít nhất là trong những tháng đầu năm 2023.

Kết nối thanh toán Việt Nam – Thái Lan

Một trong những sự kiện đáng chú ý trong tuần qua là việc Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cùng Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương (NHTW) Thái Lan Ronadol Numnonda thực hiện trải nghiệm dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR.

Dự án này được Ngân hàng Nhà nước và NHTW Thái Lan phối hợp thực hiện từ năm 2020, thông qua hai đầu mối là Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Công ty chuyển mạch quốc gia Thái Lan (NITMX).

Các ngân hàng Việt Nam tham gia giai đoạn 1 của dự án bao gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, TPBank và Sacombank.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam