Sau 2025, thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập 100% bằng công nghệ số

01:11 | 19/11/2022 Print
(TBTCO) - Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức, 10% biên chế sự nghiệp…

Đây là những yêu cầu được Quốc hội nêu tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các dự án bất động sản

Theo đó, sau phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4, đối với lĩnh vực xây dựng, Quốc hội yêu cầu sớm có giải pháp khắc phục những bất cập, bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các thành phố lớn, đặc biệt là tình trạng ngập úng, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, chậm bàn giao hạ tầng các dự án nhà ở, khu đô thị, thiếu trường học, bệnh viện,...

Khẩn trương hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực bất động sản, nhà ở, nhất là dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.

Sau 2025, thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập 100% bằng công nghệ số

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn tại Quốc hội

Đối với thị trường bất động sản, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường theo hướng minh bạch, cân bằng; tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm các thủ tục hành chính, nhất là trong khâu thẩm định, cấp phép để thúc đẩy phát triển xây dựng các dự án nhà ở, bất động sản, cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực thiếu hệ thống hạ tầng hoặc chưa được phép đầu tư.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách ưu đãi thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua; sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030;

Nghị quyết yêu cầu có giải pháp tích cực triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các dự án cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê, thuê mua, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội; nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.

Quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới

Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, yêu cầu của Quốc hội là năm 2025, hoàn thành 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai để phục vụ phát triển chính phủ số, chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; nghiên cứu đề xuất cơ chế thu phí từ việc khai thác dữ liệu để tái đầu tư, quản lý, vận hành, phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; khẩn trương ban hành Danh mục dữ liệu mở và triển khai cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, làm cơ sở kích thích phát triển kinh tế số, xã hội số.

Quốc hội yêu cầu khẩn trương hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội; tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Chính phủ cần có chính sách đẩy mạnh phát triển mạng xã hội trong nước, xây dựng văn hóa mạng lành mạnh, định danh người sử dụng; rà soát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Trong năm 2023, các cơ quan quản lý nhà nước tập trung giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp.

Năm 2026: Giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức, 10% biên chế sự nghiệp

Với lĩnh vực nội vụ, nhiệm vụ được giao gồm: Trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Đến năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình, mô hình tổ chức bộ máy và từng địa bàn; có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc; tập trung xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm; xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm; tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa các chứng chỉ không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm.

Nghị quyết Quốc hội yêu cầu tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, làm cơ sở để ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền; khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ quan thẩm quyền phê duyệt đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện đề án; đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công, nhất là trong các lĩnh vực có điều kiện.

Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý cấp phát ngân sách nhà nước theo dự toán sang thanh toán theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Tăng cường hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài

Về lĩnh vực thanh tra, Quốc hội yêu cầu tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản. Mục tiêu là bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Sau 2025, thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập 100% bằng công nghệ số

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 1 lần/năm về cùng 1 nội dung đối với 1 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.

Tích cực tháo gỡ vướng mắc, chủ động phối hợp trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài...

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam