Những cuộc xung đột ở Trung Đông ảnh hưởng lên thị trường tài chính

09:11 | 05/09/2013 Print
Mối đe doạ lơ lửng về một cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria đã gây áp lực lên giá cổ phiếu và đẩy giá dầu tăng cao. Tuần trước chứng khoán Mỹ giảm 2% trong khi giá dầu tăng 2% sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết việc Syria đã sử dụng vũ khí là “không thể chối cãi”.

Syria không phải nước xuất khẩu dầu lớn nhưng giới quan sát lo ngại một hành động quân sự có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông.- Ảnh:Finacialpost

Tình trạng đe doạ này có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán và giá dầu. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, một khi xảy ra cuộc chiến thật thì tình hình sẽ đổi khác.

“Dĩ nhiên chúng ta không chào đón một cuộc chiến tranh nhưng một khi nó được tiến hành thì chúng ta có thể sẽ định lượng được tình thế,” Mark Luschini, chiến lược gia của quỹ Janney Montgomery cho biết. “Các nhà đầu tư thấy lo lắng khi không biết khi nào thì cuộc chiến bắt đầu và kết quả ra sao.”

Syria không phải nước xuất khẩu dầu lớn nhưng giới quan sát lo ngại một hành động quân sự có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông. Dưới đây là những cuộc xung đột trong quá khứ gây ảnh hưởng lên thị trường tài chính thế giới.

1. 2011: Libya

Một tháng trước khi Mỹ can thiệp vào tình hình nội chiến ở Libya ngày 19/3/2011, chứng khoán giảm 5% và giá dầu tăng 12%. Tuy nhiên thị trường chứng khoán tăng trở lại 1,5% ngay ngày đầu cuộc chiến nổ ra và tiếp tục tăng 4% đến cuối tháng.

Giá dầu tăng tuần đầu tiên của chiến sự và đạt đỉnh trong tháng đầu tiên. Sau đó giá dầu giảm dần và giảm tới 24% vào thời điểm lực lượng nổi dậy giành quyền kiểm soát đất nước 4 tháng sau đó.

2. 2003: Chiến tranh Iraq

Giá dầu tăng liên tục trong 3 tháng trước khi Mỹ tấn công Iraq ngày 19/3/2003, từ 18 USD/thùng đầu tháng 12 lên 25 USD/thùng vào 18/3. Chỉ số S&P cũng giảm 11% trong cùng kỳ.

Tuy nhiên giá dầu giảm tới 24% và chỉ số S&P tăng trở lại 8% một tuần sau khi Tổng thống Bush đưa ra tối hậu thư với Saddam Hussein vào ngày 16/3.

3. 1991: Chiến dịch Bão táp sa mạc

Trong hai tuần trước khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn chiến dịch Bão táp sa mạc (chiến tranh Vùng Vịnh lần 1) đầu năm 1991, chỉ số S&P đã giảm gần 5% trong khi giá dầu tăng 12,5%.

Giá dầu sau đó giảm mạnh nhất 33% vào ngày 17/1/1991 sau khi Mỹ phát động một chiến dịch không quân tại Iraq. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 3,7%.

Mai Hương (Theo CNNMoney)

Mai Hương (Theo CNNMoney)

© Thời báo Tài chính Việt Nam